STALIN VÀ NHÀ THỜ NGA


Stalin biết rằng ở tất cả các nhà thờ, khi giảng đạo bao giờ các Đức cha cũng cầu nguyện cho lòng yêu Tổ quốc, cho chiến thắng của Hồng quân. Đã từng là một học trò trong trường dòng, Stalin biết rất rõ ý nghĩa của nhà thờ và tôn giáo trong đời sống tinh thần của đất nước. Ông đã quyết định động viên các giáo dân trong các hoạt động yêu nước để củng cố lòng kiên định vững vàng về mặt tinh thần của quân đội và nhân dân.

 

Ngày 4 tháng 9 năm 1943, Stalin đã cho gọi G.G Karpov - Chủ tịch Ủy ban các vấn đề nhà thờ chính giáo Nga. Trong cuộc gặp này. Stalin đã hỏi ông rất nhiều câu hỏi về nhà thờ Nga, về tính cách, quan điểm và cuộc sống của các giáo chủ dòng Nga chính thống ở Moskva, Kiev, Leningrad...

 

Sau các câu hỏi đó, Stalin nói:

 

- Cần thành lập một cơ quan đặc biệt, để làm công việc giữ liên hệ với lãnh đạo của hệ thống nhà thờ - Anh có ý tưởng gì không?

 

Karpov đã đề nghị thành lập một Ban trực thuộc Xô Viết tối cao chuyên theo dõi vấn đề tôn giáo. Stalin cho rằng không nên thành lập ban này trực thuộc Xô Viết tối cao mà thành lập một Ban trực thuộc chính phủ với tên gọi là Ủy ban về công tác nhà thờ Chính giáo Nga. Ủy ban này có nhiệm vụ giữ quan hệ giữa chính phủ và hội đồng Giáo chủ. Sau đó, Stalin đã tranh thủ ý kiến của Malenkov và Beria xem có nên tổ chức một cuộc gặp với các Đại giáo chủ Sergei, Alexy và Nikolai không? Cả hai đều cho là nên gặp.

 

Stalin chỉ thị:

 

- Hãy gọi điện cho Đại giáo chủ Sergei và thay mặt chính phủ thông báo rằng chính phủ có mong muốn tiếp Đức cha và các cha Alexy và Nikolai để nghe các ý kiến, các kiến nghị. Chính phủ sẽ tiếp các cha hoặc là hôm nay hoặc là ngày mai.

 

Đại giáo chủ Sergei đã trả lời Stalin:

 

- Các cha Alexy và Nikolai cảm ơn sự quan tâm của chính phủ, chúng tôi muốn được tiếp kiến vào ngày hôm nay.

 

Stalin không bao giờ lùi lại một việc gì nếu như có thể làm được ngay trong ngày hôm nay. Sau hai giờ các Đức cha đã có mặt ở điện Kremlin, tại buồng làm việc của Stalin. Cùng tiếp các cha còn có Molotov và Karpov.

 

Stalin chào mừng các Đức cha và nói:

 

- Chính phủ biết về các hoạt động yêu nước của nhà thờ từ những ngày đầu chiến tranh. Chính phủ nhận được rất nhiều thư từ mặt trận và hậu phương tỏ rõ tình cảm tốt của nhà thờ với đất nước.

 

Sau đó, Stalin đề nghị các Đức cha nói về các vấn đề còn đang bức xúc của nhà thờ và giáo hội.

 

Đại giáo chủ Sergei nói:

 

- Vấn đề quan trọng nhất là vai trò lãnh đạo trung tâm của nhà thờ. Hội đồng Giáo chủ ở Liên Xô đã không còn từ năm 1935, chúng tôi mong muốn rằng chính phủ cho phép họp hội đồng Giáo chủ để bầu ra vị Đại giáo chủ và một hội đồng đứng đầu nhà thờ khoảng năm, sáu vị giáo chủ.

 

Đồng ý với các ý kiến của Đức cha Sergei, Stalin hỏi:

 

- Để tổ chức họp hội đồng Giáo chủ cần chính phủ hỗ trợ những gì?

 

Đại giáo chủ Sergei đề nghị hội đồng Giáo chủ sẽ họp sau một tháng nữa. Stalin mỉm cười và hỏi Karpov:

 

- Liệu chúng ta có thể giúp để mọi việc diễn ra theo “nhịp điệu Bolshevik” không?

 

- Nếu chúng ta giúp họ phương tiện giao thông thì đại hội các giáo chủ sẽ có thể họp sau ba, bốn ngày nữa. 

 

Cuối cùng đại hội quyết định sẽ họp vào ngày 8 tháng 9. Đại giáo chủ Sergei đề nghị cho phép mở các lớp đào tạo tôn giáo cho nhà thờ - Stalin đồng ý và hỏi:

 

- Tại sao lại chỉ mở các lớp học mà không thành lập các học viện tôn giáo hay trường dòng?

 

Đại giáo chủ Sergei lại nêu vấn đề về ấn phẩm của nhà thờ để đưa tin về hoạt động nhà thờ, các bài báo, các bài phát biểu...

 

Stalin trả lời ngay: - Có thể xuất bản tạp chí.

 

Tiếp theo cha Sergei nêu một vấn đề rất nhạy cảm - Đó là việc giải phóng các cha cố đang bị giam giữ ở các nhà tù, trại giam.

 

Stalin nói: - Hãy lập danh sách và chúng tôi sẽ xem xét.

 

Sau đó, các đức cha còn nêu một loạt các vấn đề như quyền về cư trú và di chuyển của giáo dân, vấn đề ngân khoản của nhà thờ, vấn đề sản xuất nến cho nhà thờ.

 

Với tất cả các đề nghị của các đức cha, Stalin đều đồng ý giải quyết hoặc hứa sẽ giải quyết. Đồng thời, Stalin còn quan tâm đến điều kiện sống, sinh hoạt của các đức cha như phương tiện giao thông, thực phẩm, căn hộ...

 

Stalin yêu cầu Molotov cần thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân biết về việc bầu Đại giáo chủ. Molotov lập tức chuẩn bị nội dung để thông báo qua radio và báo chí về sự kiện này, nội dung được Stalin và ba Đức cha thông qua và đã phát đi như sau:

 

Ngày 4 tháng 9 năm nay, đồng chí Stalin đã tiếp và hội đàm với Đại giáo chủ Sergei, Đại giáo chủ vùng Leningrad - Alexy, Đại giáo chủ vùng Kiev - Nikolai. Trong cuộc gặp, Đại giáo chủ Sergei bày tỏ mong muốn tổ chức đại hội tôn giáo để bầu vị Đại giáo chủ vùng Moskva và toàn Nga và bầu một hội đồng Giáo chủ. Đồng chí Stalin rất chia sẻ, đồng cảm với đề nghị này và tuyên bố về phía chính phủ không có trở ngại gì. Trong quá trình đàm phán có mặt đồng chí Molotov, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô”.

 

Bản tuyên bố này đã được đăng trên báo “Tin tức” ngày 5 tháng 9 năm 1943. Đồng thời, được truyền qua hệ thống radio và bản tin TASS.

 

Kết thúc buổi tiếp, Đại giáo chủ Sergei biểu lộ lòng biết ơn với chính phủ và đồng chí Stalin. Molotov đề nghị chụp ảnh chung nhưng Stalin nói rằng bây giờ đã là hai giờ sáng, để lần sau sẽ chụp. Buổi hội kiến của Stalin với các vị Đại giáo chủ có ý nghĩa rất lớn trong đời sống nhà thờ Nga. Có lẽ không cần bình luận gì thêm về ý tưởng và hành động thiện chí này của Stalin.

#Gấu