Hiến pháp Nga thay đổi những vấn đề gì ?



    Sẽ rất buồn khi phải nói rằng, 3 bài báo liên quan đến Hiến pháp LB Nga (mới) do Đại Tá Lê Thế Mẫu viết được đăng trên trang viettimes.vn là rất tệ. Không những không truyền tải đúng những giá trị mà Hiến pháp Nga (mới) do tổng thống Putin đề xuất, mà còn làm sai lệch các thông tin, sai lệch kiến thức. Bài viết có xu hướng bài Mỹ hơi cực đoan, khi làm sai lệch nhận thức về HP 1993 và thổi phồng quá đà HP 2020 của Nga.

    Loạt bài viết của Đại tá Lê Thế Mẫu:




    Toàn văn sửa đổi Hiến pháp Nga 2020:

http://duma.gov.ru/news/48045/

    Hiến pháp Nga (1993) để đối chứng (bắt đầu từ trang 49):


A) Loạt bài viết đánh mạnh vào tâm lý "bài Mỹ", chứ không nhằm truyền tải thông tin về Hiến pháp Nga

    Nói thật lòng, cả 3 bài viết, quá nửa là đi chứng minh mối liên hệ của Mỹ đối với "âm mưu" thiết lập sự kiểm soát đối với nước Nga và vai trò của Tổng thống Nga Putin trong việc chống "ảnh hưởng" Mỹ. Phần giá trị của Hiến pháp đề cập ít ỏi, hoặc thậm chí là sai lệch, thổi phồng, biến những giá trị không có thực thành "bằng chứng" phục vụ tâm lý bài Mỹ.

    Ví dụ: Trong bài "Hiến pháp Nga sửa đổi mở ra giai đoạn mới trong lịch sử đương đại nước Nga", ngày 5/7/2020 có viết:

    "Về chính trị, bản Hiến pháp đầu tiên đã tước bỏ chủ quyền của Liên bang Nga. Thí dụ, Khoản 4 Điều 15 của Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua năm 1993 quy định:“Những nguyên tắc và tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đã được thừa nhận cùng với các hiệp ước quốc tế mà Nga ký kết cũng là bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật của Nga. Nếu hiệp ước quốc tế do Liên bang Nga ký kết quy định những điều luật khác với luật pháp Nga thì sẽ áp dụng các điều luật của hiệp ước quốc tế”. Khoản 1 Điều 62 của Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định:“Theo luật pháp liên bang hoặc hiệp ước quốc tế, công dân Liên bang Nga có thể có quốc tịch nước ngoài (quốc tịch kép)”. Khoản 2 Điều 62 quy định:“Việc các công dân Nga có quốc tịch nước ngoài sẽ không hạn chế quyền và quyền tự do của họ, cũng không loại bỏ trách nhiệm công dân Nga của họ nếu không có những quy định khác trong luật pháp liên bang hoặc trong hiệp ước quốc tế mà Liên bang Nga đã ký kết". Như vậy, theo bản Hiến pháp năm 1993, Liên bang Nga đã đánh mất chủ quyền quốc gia".

     Hoặc trong bài "Hiến pháp sửa đổi có ý nghĩa như thế nào đối với nước Nga?", ngày 7/7/2020 viết:
"Khoản 4 Điều 15 của Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: “Những nguyên tắc và tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đã được thừa nhận cùng với các hiệp ước quốc tế mà Nga ký kết cũng là bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật của Nga. Nếu hiệp ước quốc tế do Liên bang Nga ký kết quy định những điều luật trái với luật pháp Nga thì sẽ áp dụng các điều luật của hiệp ước quốc tế”. Với những quy định này, Hiến pháp 1993 đã  tước bỏ chủ quyền quốc gia của Nga. 

    Để khẳng định chủ quyền quốc gia, trong bản Hiến pháp sửa đổi năm 2020 có bổ sung Điều 79 với nội dung: “Những yêu cầu của luật pháp và các điều ước quốc tế, cũng như các quyết định của các cơ quan quốc tế chỉ có thể có hiệu lực trên lãnh thổ Nga một khi chúng không hạn chế các quyền lợi và quyền tự do của công dân Nga, không mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang Nga”. Điều khoản bổ sung này bác bỏ các quyết định phi lý của Mỹ và các nước phương Tây hoàn toàn trái với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm chống phá Nga sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014."

....

    Điều 62 của Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: “Theo luật pháp liên bang hoặc hiệp ước quốc tế, công dân Liên bang Nga có thể có quốc tịch nước ngoài (quốc tịch kép). Việc các công dân Nga có quốc tịch nước ngoài sẽ không hạn chế quyền và quyền tự do của họ, cũng không loại bỏ trách nhiệm công dân Nga của họ nếu không có những quy định khác trong luật pháp liên bang hoặc trong hiệp ước quốc tế mà Liên bang Nga đã ký kết”. 

    Vì thế, trong bản Hiến pháp sửa đổi năm 2020 có sung thêm Điều 77 quy định: “Các công dân Nga là những người đứng đầu các chủ thể của Liên bang Nga, các thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Hạ viện Nga, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng Liên bang, người đứng đầu các cơ quan hành pháp và tư pháp liên bang khác không được phép có quốc tịch nước ngoài, không được phép có giấy phép cư trú hoặc bất kỳ loại giấy tờ nào khác cho phép họ cư trú thường xuyên trên lãnh thổ một quốc gia khác; không được phép mở tài khoản và cất giữ tài sản tại các ngân hàng nước ngoài bên ngoài lãnh thổ Nga”."

    Nhìn thấy gì từ đoạn trích trên ?

    1. Trước hết, tác giả cho rằng Khoản 4 Điều 15, hay Điều 62 Hiến pháp 1993 là nhằm tước bỏ chủ quyền LB Nga. Điều đó hoàn toàn không đúng, tác giả đã cố tình lồng ghép, thổi phồng những điều không nằm trong phạm vi khái niệm "chủ quyền" vào vấn đề chủ quyền của LB Nga. Cả 2 điều trên, chính vì không nằm trong phạm vi khái niệm "chủ quyền" cho nên nó không thể xem là "bằng chứng" tước chủ quyền Nga. Đồng thời khoản 4 Điều 15 mặc dù dính tính "quốc tế", tuy nhiên, không thể quên rằng Nga là nước kế thừa địa vị pháp lý của Liên Xô, một chủ thể quan trọng trong việc sáng lập và thông qua luật pháp quốc tế; đồng thời Nga cũng là chủ thể trong việc ký kết các Hiệp ước quốc tế. Nói cách khác, Nga có thể không thông qua các điều ước, các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế do một ai áp đặt hoặc Nga có thể ngừng việc ký kết các điều ước mà mình cho rằng không thể chấp nhận được. Vậy thì chẳng có cơ sở để bảo rằng bị tước chủ quyền ... bởi HP1993. Bằng chứng rõ ràng nhất là từ năm 2000-2020, Nga ko đánh mất chủ quyền mặc dù vẫn xài nền tảng HP1993.

    2. Hiến pháp sửa đổi (2020) không thay đổi Khoản 4 Điều 15, hay Điều 62 của Hiến pháp 1993. Nghĩa là nếu thừa nhận các điều khoản là tước bỏ chủ quyền, thì đồng nghĩa bản Hiến pháp sửa đổi (2020) là tiếp tục con đường "bị tước chủ quyền". Thế chẳng phải đi ngược lại điều mà tác giả đang cố chứng minh trong bài viết là "khôi phục chủ quyền" đấy sao? Nếu các điều khoản này nhằm mục đích tước chủ quyền thì trong Hiến pháp sửa đổi 2020 nó sẽ phải bị xóa bỏ, mà tất nhiên không phải đợi đến 2020 mới có thể xóa bỏ nó, nhưng thực tế các điều trên không bị xóa, thay đổi, hay bổ sung gì.

    3. Tác giả cho rằng để ràng buộc lại Khoản 4 Điều 15 HP 1993 thì HP 2020 đã có bổ sung thêm vào điều 79. Thực ra, việc bổ sung điều 79 trong HP Nga 2020 ..... không khác về tính chất so với điều 79 cũ trong HP 1993. Nói rõ hơn đơn thuần là HP 2020 chỉ làm rõ ràng hơn về mặt nội dung của điều 79 đã tồn tại trong HP 1993. Nội dung điều 79 HP 1993 viết: "LBNga có thể tham gia các tổ chức liên chính phủ và chuyển giao một phần thẩm quyền của mình theo các điều ước quốc tế, NẾU điều đó không hạn chế quyền và tự do con người và công dân và không mâu thuẫn với nền tảng chế độ Hiến pháp LBNga". Nghĩa là khi các điều quốc quốc tế vi Hiến thì Nga sẽ không tuân thủ, không áp dụng.

    Như vậy, việc trích khoản 4 Điều 15, hay Điều 62, Điều 79 thực chất nhằm thổi phồng tâm lý bài Mỹ hay là sự "biện minh" cho cái thuyết: khôi phục chủ quyền nào đấy, chứ không phải phổ quát giá trị của Hiến pháp sửa đổi 2020, nghĩa là không truyền tải đúng giá trị tinh thần của bản sửa đổi HP của Tổng thống Putin. Tất nhiên, vấn đề chủ quyền trong HP Nga là có, nhưng nó chỉ là một phần chứ không phải trung tâm của toàn bộ bản HP 2020.

B) Những thông tin sai lệch trong bài viết.

    1. Tác giả nhận định: "Nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1993 chính là nhằm khẳng định, củng cố và tăng cường chủ quyền quốc gia của Nga". 

    Có thể hiểu, nội dung của "chủ quyền" ở đây chính là sự độc lập của thể chế chính trị Nga, phạm vi chủ quyền lãnh thổ của LB Nga. Song, đó không phải là giá trị duy nhất và trọng yếu nhất trong lần sửa đổi này. Hiển nhiên là chúng ta đều hiểu, trong 20 năm lãnh đạo nước Nga, Putin luôn bảo vệ chủ quyền nước Nga ... dựa trên nền tảng HP 1993. Sẽ là sai lệch nếu chúng ta hiểu rằng trước HP 2020 nước Nga không có chủ quyền, bị tước đoạt chủ quyền, không có sự độc lập chính trị ... vì vẫn xài HP 1993. Thực vậy, HP 2020 không phải tập trung vào vấn đề chủ quyền (mặc dù các giá trị khác vẫn phản ảnh phần nào việc bảo vệ sự độc lập chính trị, chủ quyền của Nga), mà là: giá trị lịch sử, truyền thống; tinh thần yêu nước; tính đoàn kết và thống nhất của các dân tộc trong nước Nga; và sự tăng cường, củng cố bộ máy nhà nước, chính quyền LB Nga (tăng quyền lực bộ máy công quyền). Nếu chỉ cho rằng giá trị chỉ nằm ở phạm vi "chủ quyền" Nga thì sẽ không hiểu hết toàn bộ sự thay đổi của HP Nga 2020.

    2. Tác giả viết: "Ông Yeltsin cũng quyết định sẽ không kỷ niệm Ngày Chiến Thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại.". Nhưng thực tế là từ năm 1995, thời Yeltsin, nước Nga đã tiến hành tổ chức Duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng, chứ không phải mãi đến năm 2000.

    3. Tác giả viết: "xác định con đường phát triển của nước Nga theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội với chế độ ưu việt tương đương chế độ xã hội chủ nghĩa thời Xô Viết". Cá nhân đoạn này thì tôi có thể nói rằng tác giả không hiểu gì về : mô hình kinh tế Xô viết, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội, và không hiểu gì về nền kinh tế Nga tư sản dưới thời Putin. Không thể có cái công thức : 1 đảng lãnh đạo + quốc hữu hóa = chính quyền XHCN được, không thể coi Chủ nghĩa tư bản Nhà nước là chế độ XHCN được.

    4. Việc cho phép Putin có thể tham gia tranh cử Tổng thống sau 2024, không phải vì chống "các thế lực mưu toan tiến hành cuộc cải tổ 2.0 để quay lại quỹ đạo của những năm 90 dưới thời tổng thống Nga Boris Yeltsin". Tôi hoàn toàn tin rằng, nếu Putin không tranh cử làm Tổng thống nữa thì nước Nga vẫn có người có thể đứng ra đảm nhiệm nhiệm vị trí này và bảo vệ chủ quyền của nước Nga. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải nhìn rõ ràng, Putin cũng chỉ có thể làm tối đa đến năm 2036, không thể tiếp tục sửa Hiến pháp để Putin tiếp tục làm Tổng thống nữa. Nghĩa là phải tăng cường bộ máy, chính quyền Nga, để cả khi không còn Putin, nước Nga vẫn bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và các giá trị của chính mình. Đó mới chính là vấn đề cốt lỏi của HP 2020, củng cố và tằng cường bộ máy, chính quyền Nga. Có thể nói, HP 2020 chính là "thời kỳ quá độ" để kiện toàn bộ máy chính quyền Nga sau thời kỳ Putin cố gắng thanh lọc "các di sản" hậu Xô viết, củng cố và vực dậy nền kinh tế, củng cố lực phượng vũ trang và phát triển khoa học quân sự, ... Việc cải tổ bộ máy này có ý nghĩa quyết định đến tương lai của nước Nga.

C) Những giá trị của HP 2020

    - vấn đề chủ quyền: 

    Tại Điều 67 việc tăng cường, củng cố chủ quyền của LB Nga được thể hiện trong khoản 2 Điều 67 khi bổ sung: "LB Nga bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ. Không được phép có các hành động và lời kêu gọi (ngoại trừ việc phân định lại ranh giới, biên giới giữa Nhà nước LB Nga với các quốc gia láng giềng) nhằm mục đích tách rời một phần lãnh thổ LB Nga".

    - giá trị lịch sử; truyền thống 

    Cũng chủ yếu là Điều 67, được bổ sung thêm:

    "1. LB Nga là quốc gia kế thừa hợp pháp Liên Xô về lãnh thổ, về đại diện, về tư cách thành viên trong các tổ chức quốc tế, các cơ quan quốc tế, các điều ước quốc tế cũng như liên quan đến nghĩa vụ và tài sản của Liên Xô được quy định bởi các điều ước quốc tế bên ngoài lãnh thổ LB Nga.

    2. LB Nga, là quốc gia thống nhất có hàng nghìn năm lịch sử, nơi lưu giữ ký ức tổ tiên, nơi truyền cho chúng ta niềm tin vào Thượng đế, là sự liên tục trong sự phát triển của Nhà nước Nga, là nhà nước thống nhất được công nhận trong lịch sử.

    - tinh thần yêu nước; 

    Tại Điều 67 bổ sung: "3. LB Nga tôn vinh những ký ức về những người bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự thật lịch sử. Cấm bất kỳ hành động làm suy giảm tầm quan trọng của những chiến công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân".

    - tính đoàn kết, thống nhất của các dân tộc trong nước Nga và giá trị nhân văn

    Về ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc: Điều 68 khoản 1,2,3,4.; Điều 69 khoản 1,2,3
    Về trẻ em, giáo dục : Điều 67 khoản 4.

    Quyền công dân, lương hưu, bảo hiểm: Điều 75 khoản 5,6,7,8

    - tăng cường, củng cố bộ máy nhà nước, chính quyền LB Nga

    Điều 71; Điều 72; Điều 75 khoản 1,2,3,4 ; Điều 77; Điều 78; Điều 79; Điều 80; Điều 81 ; Điều 82 ; Điều 83 ; Điều 92 ; Điều 93 ; Điều 95 ; Điều 97 ; Điều 98 ; Điều 100 ; Điều 102 ; Điều 103 ; Điều 104 ; Điều 107 ; Điều 108 ; Điều 109 ; Điều 110 ; Điều 111 ; Điều 112 ; Điều 113 ; Điều 114 ; Điều 115 ; Điều 118 ; Điều 119 ; Điều 125 ; Điều 126 ; Điều 128 ; Điều 129 ; Điều 131 ; Điều 132 ; Điều 133.

    Như vậy, những giá trị mà HP Nga 2020 được Putin đề xuất, rộng hơn rất nhiều phạm vi "'chủ quyền" mà loạt bài báo của tác giả Đại Tá Lê Thế Mẫu viết, trong đó vấn đề đảm bảo quyền lực Nhà nước chính là giá trị chủ đạo, là cơ sở cho việc tồn tại độc lập về chính trị, củng cố, phát triển giá trị Nga khác trong tương lai.

    Cá nhân tôi rất tán thành lời nhận xét của thiếu tướng Lê Văn Cương:

    "Như vậy, những sửa đổi Hiến pháp lần này tập trung vào 2 hướng rõ ràng: Đảm bảo quyền lực Nhà nước, thực thi an ninh quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; tôn trọng quyền của người dân, đảm bảo mức sống ngày càng phát triển. Trên cơ sở như vậy, bản Hiến pháp 2020 mang tính tiến bộ, nhân văn."

    Các bạn có thể tham khảo link tại đây, ông Cương nêu khá chuẩn đối với những vấn đề mà Hiến pháp 2020 đã sửa đổi: 
https://baonghean.vn/tuong-cuong-sua-doi-hien-phap-nga-la-cuoc-cach-mang-cua-putin-270207.html

#Gấu