Tướng Giáp có vai trò gì trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 ?

    

    Biết rằng đăng hình này sẽ luôn có những câu hỏi đại loại thế này. Thực ra hiểu vấn đề này hoàn toàn không dễ, bởi việc phân cấp lãnh đạo trong thời kháng Mỹ khá là phức tạp và khác xa so với bây giờ. Do đó, có một số vấn đề mà chúng ta cần bàn để hiểu rõ:

1. Một Đảng lãnh đạo 2 chính thể. Ở miền Bắc, Đảng lãnh đạo thường xuyên thông qua Bộ Chính trị, phụ trách công tác các vấn đề quân sự cho Đảng là do Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đảm nhiệm. Ở miền Nam, Đảng cũng lãnh đạo thông qua Bộ Chính trị, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam là Trung ương Cục, phụ trách vấn đề quân sự miền có Quân ủy Miền, Bộ Tư lệnh Miền.

    Theo một một cách logic rất thông thường, các vấn đề quân sự cách mạng miền Nam phải là do Bộ Chính trị chỉ đạo, vì Trung ương Cục chỉ nhận chỉ thị trực tiếp từ Bộ Chính trị, không nhận từ Quân ủy Trung ương. Do đó một số người tách hẳn vai trò của Quân ủy Trung ương ra khỏi "sự lãnh đạo" đối với cách mạng miền Nam. Đồng thời cũng bác bỏ vai trò của tướng Giáp đối với Chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy xuân 1975 nói chung, Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng.

    Nghe có vẻ logic, nhưng thực ra lại rất thiếu logic; nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực ra lại rất thiếu tính hợp lý.

2. Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo tối cao, nhưng lại không phải là cơ quan chuyên trách về các vấn đề quân sự. Thực vậy, Bộ Chính trị ra các chỉ thị về quân sự dựa trên cơ quan chuyên trách của mình đó là - Quân ủy Trung ương. Tham mưu, hoạch định các kế hoạch quân sự chiến lược chiến dịch là do Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN đảm nhiệm - cơ quan trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh QĐNDVN, sau đó các kế hoạch được trình Quân ủy Trung ương xem xét, bàn bạc, thống nhất; sau đó Quân ủy Trung ương báo cáo Bộ Chính trị để Bộ Chính trị xem xét và phê chuẩn.

    Sau Hiệp định Pari năm 1973, Bộ Chính trị đã có phiên họp chỉ đạo về công tác cách mạng miền Nam trong tình hình mới. Quán triệt tinh thần của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Bộ Tổng tư lệnh lên kế hoạch soạn thảo kế hoạch chiến lược cho tình hình mới. Cơ sở cho kế hoạch giải phóng miền Nam xuất phát từ Đề cương Kế hoạch chiến lược mang số 305/TG1 do Tổ Trung tâm của Bộ Tổng tham mưu soạn dự thảo. Và sau nhiều lần được chỉnh lý bổ sung thì Đề cương Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam mang số 172/TG1 ra đời đã được Quân ủy Trung ương trình Bộ Chính trị phê chuẩn trong phiên họp Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 30/9 - 8/10/1974. Do đó, ở đây vai trò trách nhiệm của Quân ủy Trung ương là vô cùng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tham gia chỉ đạo không ?

    - Trước nhất nói về mặt quân sự, ông là Tổng tư lệnh QĐNDVN, người đứng đầu Bộ Tổng tư lệnh QĐNDVN, trực tiếp lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu - cơ quan chuyên trách lên vạch, xây dựng các kế hoạch chiến lược và chiến dịch cho cách mạng miền Nam, đồng thời quản lý về mặt nhân sự của Bộ Tổng tham mưu. Không thể phủ nhận vai trò chỉ đạo này của tướng Giáp.

    - Thứ hai, nói về mặt đảng, sự lãnh đạo của Đảng về quân sự, ông là Bí thư Quân ủy Trung ương, người đứng đầu cơ quan chuyên trách quân sự của Đảng Lao động Việt Nam (lúc bấy giờ). Quân ủy Trung ương có trọng trách, tham mưu, đúc kết lý luận, vạch đường lối quân sự, chính sách quân sự cho Bộ Chính trị và BCHTW. Mà đường lối quân sự cách mạng Miền lại do Bộ Chính trị chỉ đạo Trung ương Cục. Do đó Quân ủy Trung ương cũng trực tiếp xây dựng đường lối quân sự cho cách mạng miền Nam. Đồng thời, Quân ủy Trung ương lãnh đạo các cán bộ của Quân ủy trên khắp các chiến trường. Do đó, cũng không thể phủ nhận vai trò chỉ đạo này của tướng Giáp.

    Như vậy hoàn toàn có thể nói tướng Giáp tham gia chỉ đạo Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 nói chung, tất cả các chiến lược, chiến dịch quân sự nói chung trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng nói thế không có nghĩa là một mình tướng Giáp chỉ đạo, mà thực ra chúng ta lãnh đạo theo nhiều cấp khác nhau, mỗi cơ quan đơn vị làm những nhiệm vụ chỉ đạo khác nhau.

3. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh lãnh đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như thế nào ?

    Để trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 nói chung, Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng. Căn cứ trên đề xuất của Bộ Tổng tư lệnh và Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định đưa một số đồng chí, cán bộ, tướng lĩnh quân sự vào nắm các Bộ Chỉ huy chiến dịch của Quân giải phóng, trong đó có cả Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Điều đó đảm bảo tính thống nhất và tập trung trong sự lãnh đạo của Đảng và Quân đội đối với các chiến dịch quân sự.

    Thành viên của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh sẽ cho chúng ta thấy rõ:

- Lê Đức Thọ - phái viên BCT

- Văn Tiến Dũng: thành viên Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN
- Phạm Hùng: Bí thư TW cục, Chính ủy Quân giải phóng

- Lê Trọng Tấn: Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN

- Lê Ngọc Hiền: Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN

- Hoàng Dũng: cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu, kiêm thư ký cho Văn Tiến Dũng

- Trần Văn Trà: Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam

- Đinh Đức Thiện: Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Tổng cục kỹ thuật Bộ Tổng tư lệnh

- Lê Quang Hòa: phái viên Ban thường vụ Quân ủy Trung ương ở Huế, Phó chính ủy Chiến dịch

- Lê Đức Anh: Phó tư lệnh chiến dịch

- Lê Xuân Kiện: Phó tư lệnh chiến dịch

- Hoàng Vị: cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu

- Phan Hàm: cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu.

    Qua thành phần của Bộ chỉ huy chiến dịch, chúng ta hoàn toàn có thể thấy Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh lãnh đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua việc cử cán bộ đơn vị xuống nắm vai trò chủ chốt, chỉ huy của chiến dịch. Và tất nhiên, cán bộ thuộc cấp nào thì sẽ chịu sự lãnh đạo của cấp trên tương ứng. Cán bộ của Bộ Tổng tham mưu, các Tư lệnh và Thường vụ Quân ủy cũng phải chịu sự lãnh đạo của cấp trên, trước mắt là Bộ Tổng tư lệnh và Quân ủy Trung ương, tối cao là Bộ Chính trị.
(Lưu ý: ở đây chúng tôi chỉ làm rõ: có hay không vai trò, trách nhiệm của tướng Giáp đối với việc chỉ đạo các vấn đề quân sự trong kháng chiến chống Mỹ. Việc không đề cập đến nhiều người khác không có nghĩa là phủ định vai trò, vị trí cá nhân của người đó trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước).

    Chốt: do đó, việc tách vai trò, vị trí của tướng Giáp ra khỏi Cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 nói chung, Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng, là thiếu căn cứ khoa học, là phi lịch sử và thiếu hiểu biết.

#Gấu.