SỰ SAI LỆCH VỀ VAI TRÒ LENIN TRONG VIỆC HÌNH THÀNH LIÊN BANG XÔ VIẾT



Nhân dịp hôm trước Vinh chồn bạn tôi có dịch một bài phỏng vấn Tổng thống Nga Putin ngày 19 tháng 12 năm 2019. Trong cái đoạn Putin đánh giá về cá nhân Lenin, tôi chợt nhớ đến cái chuyện Putin tuyên bố Lenin đã đặt quả bom hẹn giờ bên dưới Nhà nước Nga hồi 2016. Trong bài phát biểu 19/12/2019 đấy Putin có mô tả rằng Lenin và Stalin có bất đồng trong việc xây dựng mô hình Nhà nước Xô viết. Lenin chống lại thuyết Nhà nước liên bang (Федерация) thống nhất có các xứ tự trị của Stalin, và thay thế vào đó là mô hình các Nhà nước liên minh (конфедерация) giữa các nước cộng hòa độc lập có chủ quyền - một mô hình liên minh mang tính chất tương đối, thống nhất vì một số mục tiêu ngắn hạn nào đó - đã đặt một nền tảng cơ sở pháp lý cho sự tan rã của Liên Xô.

Hồi 2009-2011, nhiều cuộc tranh luận gay gắt về chủ đề này đã diễn ra trên các diễn đàn ở Nga. Cho nên, Putin không phải là người đầu tiên đề cập vấn đề này ở nước Nga, và phiên bản trên cũng không phải là duy nhất.

Những phiên bản chủ đạo cho các giả thuyết này:

A) Lenin và Stalin bất đồng trong việc xây dựng mô hình Nhà nước. Lenin chủ trương Nhà nước liên minh (конфедерация) giữa các nước cộng hòa độc lập có chủ quyền. Còn Stalin chủ trương Nhà nước liên bang có các xứ tự trị - Федерация. Lenin là người theo mang tư tưởng chống mô hình nhà nước liên bang (Федерация), do đó dẫn đến việc phi tập trung hóa nước Nga, khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga đã mất hàng loạt vùng lãnh thổ và đất đai. Nếu sử dụng mô hình Stalin, nước Nga sẽ giữ lại các vùng đất đó.

B) Lenin và Stalin là những người mang tư tưởng chống mô hình Nhà nước liên bang (Федерация). Do đó, dẫn đến việc phi tập trung hóa nước Nga, khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga đã mất hàng loạt vùng lãnh thổ và đất đai.

Hiện nay, những người theo chủ nghĩa dân tộc trung hữu ở nước Nga, mà đại biểu có thể nói là ông Putin đã ủng hộ phiên bản A. Vậy còn phiên bản B? Thực ra, phiên bản B đã tồn tại ngay từ những ngày đầu thành lập của Nhà nước Liên bang Xô viết rồi.

Có một điểm mà có lẽ tôi cho rằng ngài Tổng thống quý mến của nước Nga - Vladimir Putin đã nhầm lẫn một cách không đáng có khi làm sai lệch về vấn đề Liên Xô sụp đổ là do cấu trúc Nhà nước của Lenin. Trong bài phát biểu hôm 19/12/2019, Tổng thống Nga đã nói Lenin có ý định xây dựng mô hình: «фактически даже не федерацию, а конфедерацию» - nghĩa là “thậm chí đó không phải là liên bang, mà là liên minh” (конфедерация) - và cho rằng đó là cơ sở pháp lý của sự sụp đổ của Liên Xô. Tuy nhiên, sự thật là bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết khi mới thành lập vào năm 1922 không phải là mô hình liên minh (конфедерация), mà là liên bang nhiều nước Cộng hòa thống nhất (Союз государств) do Stalin trực tiếp kiến tạo theo quan điểm Lenin, mức độ tập trung của nó còn cao hơn cả cái (Федерация). Ngoài ra, khi Liên bang Xô viết sụp đổ 1991, Nhà nước này không phải mang mô hình (Союз государств), mà mang mô hình liên bang (Федерация). Tại sao lại như vậy ?

Chắc ngài Putin quên mất rằng Ngày 17 tháng 3 năm 1991, Liên Xô đã trưng cầu dân ý chuyển đổi mô hình Nhà nước từ (Союз государств) sang mô hình Nhà nước liên bang (Федерация) với sự đồng thuận 76,43% của người dân và do Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev chỉ đạo tổ chức. Và có lẽ chính ngay cả ngài cựu Tổng thống Yeltsin và cả ngài Tổng thống Putin cũng là một trong những người bỏ phiếu tán thành Gorbachev.

Thật kỳ lạ, Putin tuyên bố rằng Lenin phải chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ một mô hình mà ông ấy KHÔNG ĐỀ XUẤT. Thậm chí chính giới sử học tư sản nước Nga hiện đại còn vu cáo Lenin chống chủ nghĩa Liên bang (против федерализма). Vậy mà giờ đây khi Liên Xô sụp đổ bởi mô hình liên bang (Федерация) thì ngài Tổng thống lại đổ hết lên đầu Lenin - người mà vào năm 1991 khi cuộc trưng cầu dân ý nổ ra đã đi vào giấc ngủ nghìn thu được 67 năm.

1. Lenin bàn về chống chủ nghĩa Liên bang (против федерализма)


Để đổ vấy tội lỗi “đặt quả bom hẹn giờ” bên dưới Nhà nước Nga cho Lenin, các nhà sử học tư sản Nga đã làm thái hóa lên vấn đề “Chống chủ nghĩa Liên bang” (против федерализма) - tức các quan điểm của Lenin về việc chống thành lập Nhà nước liên bang (Федерация) trong quá khứ, rồi cho rằng đó là nguồn gốc của việc Lenin phản đối mô hình Nhà nước của Stalin, và rồi lập nên Nhà nước Liên Xô trên cơ sở liên minh (конфедерация). Đây là một cách tiếp cận vấn đề gián tiếp dựa trên việc suy diễn dựa trên góc độ tiếp cận của các nhà sử học tư sản hiện đại, không phải trực tiếp dựa trên quan điểm thực của Lenin. Thực vậy, họ không thể đặt ra một chủ đề, chẳng hạn như: Quan điểm của Lenin về nhà nước Liên minh (конфедерация). Tại sao họ lại không làm thế ? Vì nếu làm thế, họ sẽ KHÔNG BAO GIỜ chứng minh được rằng Lenin có quan điểm đó, bởi vì vốn dĩ Lenin không có quan điểm như thế, chính vì vậy mà họ chỉ có thể đặt vấn đề gián tiếp và từ đó suy diễn ra mà thôi.

Tại sao tôi lại dám chắc như vậy ? Vì đơn giản, mô hình Nhà nước liên minh (конфедерация) là một sản phẩm lịch sử đặc biệt chỉ ra đời trong thời kỳ Nội chiến và chống can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc ngay sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười. Nó cũng chỉ diễn ra trong điều kiện lịch sử có một không hai khi đó là trên các vùng lãnh thổ của các cộng đồng dân cư Ukraina, Belorussia, vùng Caucasus, … xuất hiện các Nhà nước cộng hòa Xô viết độc lập tương ứng (1919 - 1922) và phải cùng phải thực hiện một nhiệm vụ lịch sử - xã hội chung nhất: chống kẻ thù xâm lược để bảo vệ thành quả cách mạng của các nền cộng hòa Xô viết này.

Do đó, trước Cách mạng tháng Mười 1917, những điều kiện lịch sử cụ thể của nước Nga đế quốc không thể sản sinh ra quan điểm về Nhà nước liên minh (конфедерация), và hiện thực là trong khoảng thời gian gần một TRĂM năm qua, các nhà sử học tư sản không đưa ra nổi một bằng chứng về việc Lenin có quan điểm này trước Cách mạng tháng Mười 1917. Do đó, họ buộc phải làm thái quá lên vấn đề “Chống chủ nghĩa Liên bang” (против федерализма) .

Vậy thực hư chuyện Lenin chống chủ nghĩa Liên bang là như thế nào ?

Thực ra Lenin hoàn toàn không chống cái gọi là mô hình Nhà nước liên bang (vấn đề chung nhất), mà thực tế ông chống việc thành lập các mô hình Nhà nước liên bang trong những điều kiện lịch sử nhất định. Hay nói rõ, không phải bất kỳ quốc gia nào cũng phải dùng mô hình liên bang, mà phải tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà suy xét có nên áp dụng hay không.

Marx và Engels cũng chống chủ nghĩa Liên bang và sự phi tập trung hóa quốc gia Đức trong thời đại của các ông. Những hình thức công quốc được xem là di tích tàn dư của chế độ phong kiến, một sự cản trở đối với việc phát triển các phong trào của quần chúng lao động. Chúng ta có thể thấy một số ví dụ điển hình, trong bức thư Engels gửi cho Marx ngày 2/2 - 2/4/1868, ông đã chỉ trích Wilhelm Liebknecht người “bảo vệ chủ nghĩa liên bang Nam Đức” - (Федерация). Quan điểm của Marx và Engels đối với nước Đức lúc đó là yêu cầu về một nền cộng hòa thống nhất - đơn nhất. Đồng chí Lenin tán thành quan điểm này của hai ông - đòi hỏi một sự tập trung hóa quyền lực Nhà nước đối với nước Đức khi đó tồn tại rất nhiều công quốc khác nhau.

Năm 1891, Engels phát biểu: “Theo tôi, chỉ có hình thức nền cộng hòa thống nhất không thể tách rời là phù hợp với giai cấp vô sản. Một nước cộng hòa liên bang (Федерация), nói chung là một hình phù hợp đối với nước có lãnh thổ rộng như Mỹ, mặc dù phía đông có chút trở ngại. Đó sẽ là một bước tiến ở Anh, nơi bốn quốc gia sống trên hai hòn đảo … Nó là một trở ngại đối với Thụy sĩ… Đối với Đức, việc liên bang hóa (Федерация) sẽ là một bước lùi rất lớn” (К. Маркс и Ф. Энгельс, Соч., т. XVI, ч. II, с. по). Marx và Engels đã luôn nêu một quan điểm thống nhất về nước Đức: một nền cộng hòa duy nhất không thể tách rời.

Năm 1903, khi phê phán Tuyên ngôn của Liên minh Dân chủ xã hội Armenia về việc đề xuất thành lập một liên bang (Федерация) Nga trong tương lai. Lenin đã phê phán quan điểm đó. Ông nhấn mạnh rằng giai cấp vô sản nên tập hợp trong một Nhà nước thống nhất, không nên phân rã, trên cơ sở bình đẳng giữa giữa các dân tộc và tôn trọng quyền tự quyết dân tộc. Lenin viết: “Chúng tôi chắc chắn, trên cơ sở bình đẳng vì sự thống nhất và chống chủ nghĩa Liên bang” (В. И. Ленин, Соч., т. 21, с. 87.).

Năm 1913, Lenin tiếp tục thể hiện quan điểm này khi viết: “Chúng tôi vì sự tập trung dân chủ. Chúng tôi chống lại liên bang (Федерация). Chúng tôi vì Jacobin chống lại Girondins…. Chúng tôi về nguyên tắc chống liên bang (Федерация) - nó làm suy yếu mối quan hệ kinh tế, nó là hình thức không phù hợp đối với một nhà nước thống nhất” (В. И. Ленин, Соч., т. 19, с. 453.).

Chúng ta hoàn toàn có thể thấy Lenin có thái độ chống liên bang. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ông hoàn toàn chống hình thức Nhà nước liên bang. Những nhà sử học tư sản sáo rỗng không dám trích toàn vẹn những quan điểm của Lenin.
Năm 1903, Lenin đã viết về hình thức liên bang (Федерация) như sau: “Chúng ta phải luôn phấn đấu vô điều kiện cho sự kết hợp của giai cấp vô sản bất kể quốc tịch, và chỉ trong những trường hợp đặc biệt, chúng ta mới có thể đặt ra và hỗ trợ cho những xu hướng tạo một Nhà nước giai cấp mới hoặc thay thế sự thống nhất chính trị hoàn toàn của Nhà nước bằng hình thức liên bang yếu hơn”(В. И. Ленин, Соч., т. 6, с. 412.) .

Đối với cuộc khủng hoảng Balkan 1912-1913, thái độ của Lenin đối với vùng đất này đã cho thấy rất rõ quan điểm “điều kiện” của ông. Khẩu hiệu về một liên bang (Федерация) được đưa ra bởi những quần chúng lao động có ý thức giai cấp ở Balkan đã được Lenin tán thành và gọi đó là “một giải pháp dân chủ nhất quán cho vấn đề dân tộc ở Balkan” (В. И. Ленин, Соч., т. 18, с. 340.).

Như vậy một thực tế rõ ràng là Lenin chống chủ nghĩa Liên bang - khi nó với tư cách là một hệ thống, quan điểm về sự phân mảnh một quốc gia. Chính xác, Lenin là một người theo lý luận một Nhà nước thống nhất, nhưng trong vài trường hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, ông đã tán thành hình thức Nhà nước liên bang (Федерация) như một bước đệm để tiến tới Nhà nước thống nhất.

Nói về quan điểm Lenin về quốc gia thống nhất, điều đó thậm chí hoàn toàn giống hệt quan điểm của Putin. Vậy tại sao Putin lại cho rằng Lenin xây dựng Nhà nước liên minh (конфедерация) trong khi Lenin rõ ràng quan niệm về Nhà nước đơn nhất? - Câu trả lời nằm ở nằm ở chính quá trình vận động và phát triển của xã hội nước Nga đầu thế kỷ XX.

2. Lenin và câu hỏi về hình thức Nhà nước của Nga.


Xuất phát từ thực tiễn lịch sử nước Nga trước Cách mạng tháng Hai 1917 vốn dĩ là một Nhà nước đơn nhất với sự tập trung cao độ được xây dựng bởi bề dày của các cuộc xâm lăng, chiếm đoạt và cai trị của chế độ Sa hoàng. Xét ở phạm vi “mô hình Nhà nước”, sự tập trung đó mang ý nghĩa tiến bộ, nó tạo điều kiện cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản vào nước Nga và phát triển phong trào công nhân. Chủ nghĩa liên bang (Федерация) với ý đồ làm phân mảnh nước Nga được Lenin quan niệm là bước lùi, trước hết nó làm phân hóa phong trào công nhân ở Nga - trong lúc đó đáng lẽ phải là một mặt trận thống nhất tất cả giai cấp vô sản đủ mọi dân tộc trong nước Nga.

Ý đồ của Lenin thật sự rõ rệt: Một nhà nước Xã hội chủ nghĩa đơn nhất. Hệt như những gì mà ông Marx và Engels đã nêu trước đó. Tuy nhiên, Lenin không tuyệt đối hóa quan điểm đó. Nước Nga tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tạo ra những điều kiện lịch sử nhất định cho việc Lenin thay đổi quan điểm và chấp thuận mô hình liên bang (Федерация) - vốn trước đó không phù hợp với nước Nga.

Chiến tranh đã gây sự áp bức, bóc lột tàn nhẫn đối với nhân dân Nga và các dân tộc trong lãnh thổ đế quốc Nga. Năm 1916, Lenin đã nêu ra những khả năng về mô hình Liên bang: “Trong mọi trường hợp, khi có các quốc gia đi áp bức và bị áp bức, … chính sách của Marx đối với Ireland sẽ trở thành mô hình của chính trị vô sản”(В. И. Ленин, Соч., т. 22, с. 154.). Phải, quan điểm của Marx về một liên bang (Федерация) đã được Lenin chấp thuận từ thời điểm này, với điều kiện lịch sử nước Nga trong Thế chiến thứ nhất.

Vậy Lenin liệu có mâu thuẫn với chính ông ? Không. Trong bài “Cách mạng xã hội chủ nghĩa và quyền dân tộc tự quyết” năm 1916, Lenin đã nêu ra một luận luận điểm có tựa đề: Tầm quan trọng của quyền tự quyết dân tộc và thái độ đối với vấn đề Liên bang”. Lenin viết: “Công nhận quyền tự quyết không có nghĩa là tán thành liên bang (Федерация). Có thể không phản đối sự liên bang, nhưng vẫn là người ủng hộ sự tập trung hóa; nhưng liên bang tốt hơn sự bất bình đẳng, đó là cách duy nhất (trong lúc này) để hoàn thành chế độ tập trung hóa. Từ quan điểm này, Marx đã chọn liên bang giữa Anh với Ireland, còn hơn là chọn Anh cưỡng đoạt Ireland” (В. И. Ленин, Соч., т. 22, с. 135).

Vấn đề hệ thống Nhà nước trở nên cấp thiết ngay sau Cách mạng tháng Hai 1917. Những người marxist đứng trước hai vất đề: 1) Việc chuyển giao quyền lực vào tay các Xô viết đại biểu 2) Về mô hình Nhà nước.

Đảng Bolsheviks đã nêu rõ nhiệm vụ: xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa kiểu Xô viết trên cơ sở bình đẳng và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời công nhận quyền tự quyết dân tộc, bất kỳ dân tộc nào muốn tách khỏi nước Nga hoặc ở lại, sau khi trưng cầu dân ý với phiếu đa số trong nhân dân đều được chấp thuận, ngoài ra các khu vực khác được tự trị hóa. Trong bài phát biểu Hội nghị tháng 4 của Đảng năm 1917, Lenin đã nêu rõ: “Chúng tôi muốn có một liên minh anh em với tất cả mọi nước. Giữa Cộng hòa Nga và Cộng hòa Ukraina, giữa họ sẽ có nhiều liên lạc và tin tưởng lẫn nhau. Nếu người Ukraina thấy rằng chúng ta sẽ tồn tại trong một nước Cộng hòa Xô viết, thì sẽ không cần phải tách rời; nhưng nếu chúng ta có một cộng hòa theo kiểu Milyukov (châm biếm người đứng đầu Đảng Dân chủ lập hiến - một đảng tư sản) thì họ sẽ tách ra”. (См. В. И. Ленин, Соч., т. 24, с. 268)

Các tài liệu về thời kỳ Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đã cho thấy vào tháng 5/ 1917 Lenin không chỉ tính toán đến việc thành lập một Nhà nước liên bang (Федерация) cho nước Nga, mà ông còn mở rộng phạm vi đối với các công quốc tự trị - chư hầu của Cộng hòa Nga (Ba Lan, Phần Lan) dưới hình thức Một Nhà nước liên bang trên cơ sở liên minh các quốc gia (Союз государств). Lenin viết: “Dân tộc Nga vĩ đại đã đưa ra một hình thức liên minh anh em cho các dân tộc và sự hình thành một Nhà nước chung (общего государства) trên cơ sở tự nguyện…” (В. И. Ленин, Соч., т. 24, с. 321).

Tuy nhiên, tính toán về mô hình Nhà nước chung cho các dân tộc trên cơ sở liên minh các quốc gia (Союз государств) không phải là vấn đề trọng tâm. Vấn đề trước mắt là giải quyết câu hỏi về mô hình Nhà nước của nước Nga. Trong cuốn sách Nhà nước và Cách mạng, Lenin đã tiếp tục nhấn mạnh lại quan điểm của Marx và cho rằng lúc này, mô hình liên bang là mô hình (Федерация) phù hợp với điều kiện đặc biệt của nước Nga. Lenin viết: “Engels cũng như Marx, đã đứng trên quan điểm của giai cấp vô sản và cách mạng vô sản để bênh vực chế độ tập trung, nước cộng hòa thống nhất và không thể tách rời. Engels coi liên bang hoặc là một ngoại lệ và một vật chất chướng ngại cho sự phát triển, hoặc là một bước quá độ từ chế độ quân chủ đến nước cộng hòa tập trung, một bước tiến trong điều kiện đặc biệt nào đó. Và trong số những điều kiện đặc biệt ấy, ông đặt vấn đề dân tọc lên hàng đầu… Ngay cả ở Anh là nơi mà những điều kiện địa lý, sự thống ngôn ngữ và một lịch sử dài hàng bao nhiêu thế kỷ hình như “đã giải quyết xong” vấn đề dân tộc đối với một ít khu vực nhỏ trong nước, - ngay ở đây, Engels cũng vẫn chú ý đến cái sự thật hiển nhiên là vấn đề dân tộc vẫn chưa được giải quyết, và vì vậy, ông vẫn coi cộng hòa liên bang là một bước tiến. Cố nhiên, như thế không có nghĩa là thủ tiêu việc phê phán những khuyết điểm của chế độ cộng hòa liên bang, cũng như thủ tiêu việc tuyên truyền và đấu tranh kiên quyết nhất cho chế độ cộng hòa thống nhất, tập trung” (В. И. Ленин, Соч., т. 25, с. 418.).

Ngay sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, trong Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột, tháng 1 năm 1918, do Lenin và được Trung ương Đảng phê chuẩn đã chỉ rõ: “Nước Cộng hòa Xô viết Nga được thành lập trên cơ sở liên minh tự do của các quốc gia tự do, với tư cách là một liên bang (Федерация) của các nước Cộng hòa Xô viết”. Như vậy, ngay sau khi Cách mạng giành thắng lợi, Lenin đã xác lập ngay mô hình Nhà nước cho nước Nga đó là mô hình liên bang (Федерация).

Và Lenin đã bày tỏ quan điểm rất nhất quán về vai trò của mô hình này đối với sự tập trung hóa nước Nga cách mạng. Tháng 3 năm 1918, Lenin nói: “đó là bước đầu tiên rất chắc chắn hướng tới sự thống nhất lâu dài giữa các dân tộc khác nhau ở nước Nga thành một quốc gia Xô viết đơn nhất” (В., И. Ленин, Соч., т. 27, с. 181.). Tháng 3 năm 1919, Đại hội VIII của Đảng Bolsheviks đã viết điều này vào chương trình của mình khi xem liên bang (Федерация) “là một trong những hình thức chuyển tiếp trên con đường thống nhất hoàn toàn, Đảng thành lập một liên bang  gồm các quốc gia được tổ chức theo kiểu Xô viết” («КПСС в резолюциях и решениях съездов, конференций и пленумов ЦК» ч. I, изд. 7, Госполитиздат, 1953, с. 417.).

Hình dung vấn đề này thế nào, tôi sẽ trích một đoạn trong bài viết “Chống chủ nghĩa liên bang” (против федерализма) do Stalin viết hồi tháng Ba 1917, có đề cập đến mô hình nước Mỹ, để  chúng ta có thể hình dung “các cấp độ” của Nhà nước như sau:

“Hồi năm 1776, Hợp chủng quốc không phải là một liên bang (Федерация), mà là một liên minh những vùng thuộc địa hay những bang từ trước tới lúc đó vẫn là những xứ độc lập. Nghĩa là trước đây có những vùng thuộc địa độc lập quan hệ với nhau, nhưng sau đó, để bảo vệ lợi ích chung, nhất là chống ngoại xâm, các vùng đó đã kết hợp lại với nhau thành một đồng minh (конфедерация), song vẫn là những bang hoàn toàn độc lập. Từ 1860 đến 1870, có một sự chuyển biến trong đời sống chính trị trong nước; những bang miền Bắc đòi hỏi kết hợp chặt chẽ về mặt chính trị, trái lại, những bang miền Nam phản đối “chế độ tập trung” và đấu tranh đã diễn ra. Cuộc Nội chiến bùng nổ và những bang miền Bắc đã chiến thắng. Thế là Mỹ đã thành lập một liên bang (Федерация), nghĩa là một liên hợp những bang có chủ quyền, những bang này chia sẽ chính quyền của mình với một chính phủ liên bang trung ương. Nhưng tình trạng đó không tồn tại được lâu. Chế độ liên bang (Федерация) cũng chỉ là biện pháp của quá độ như chế độ liên minh (конфедерация). Cuộc đấu tranh giữa các bang và chính quyền trung ương không chấm dứt, tình trạng hai chính quyền song song tồn tại trở nên không thể chịu nổi và sự phát triển sau này của Hợp chủng quốc đã khiến nó chuyển biến từ chỗ là một liên bang trở thành Quốc gia đơn nhất theo những quy định thống nhất về Hiến pháp, với một chế độ tự trị hạn chế (hành chính) trong giới hạn những quy định nói trên. Áp dụng vào Hợp chủng quốc danh từ “liên bang” (Федерация) đã sáo rỗng, một tiếng cũ rích đã từ lâu không còn phù hợp với tình hình thực tế nữa” (Сталин: против федерализма, 1917).

Như vậy chúng ta sẽ hiểu các cấp độ đó là: liên minh (конфедерация) - liên bang (Федерация) - cuối cùng là Nhà nước đơn nhất. Lenin muốn đi lên Nhà nước đơn nhất, nhưng tình hình nước Nga không cho phép, nên ông buộc phải lựa chọn mô hình liên bang (Федерация) làm bước quá độ mà đi lên.

Giải thích cho việc Lenin quyết định áp dụng hình thức Liên bang (Федерация) hồi Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười. Trong lời nhắn viết bổ sung cho bài “Chống chủ nghĩa Liên bang”, hồi tháng 12 năm 1924, Stalin viết:

1. Hồi Cách mạng tháng Mười, cả một loạt dân tộc ở Nga, trên thực tế đã rơi vào một tình trạng là hoàn toàn cách biệt nhau, hoàn toàn bị cắt đứt liên hệ với nhau, thành thử, chế độ liên bang (Федерация) là một bước tiến đưa quần chúng lao động của những dân tộc ấy từ chỗ phân tán đến chỗ gần gũi liên hợp nhau.

2. Bản thân những hình thức liên bang, được dần dần xác lập trong quá trình xây dựng chế độ Xô viết, không làm trở ngại đến quần chúng lao động của các dân tộc ở Nga gần gũi nhau về kinh tế, như trước đây người ta tưởng, thậm chí còn không gây trở ngại cho việc gần gũi đó, như thực tiễn đã thấy rõ.

3. Tầm quan trọng của phong trào dân tộc đã tỏ ra lớn hơn rất nhiều và con đường dẫn đến sự liên hợp các dân tộc đã tỏ ra phức tạp hơn rất nhiều, so với trước kia, hồi trước chiến tranh hay trước Cách mạng tháng Mười.

Như vậy, thuyết về việc Lenin muốn thành lập liên minh (конфедерация) và việc Lenin là người chống chủ nghĩa liên bang (против федерализма) là một sự dối trá của các nhà sử học tư sản. Vai trò của Lenin trong việc hình thành Nước Nga Xô viết đã bị làm sai lệch.




3. Sự ra đời của Liên bang các nước Cộng Xô viết (Союз государств)


Ở trên tôi đã viết các Nhà nước liên minh (конфедерация) là sản phẩm lịch sử đặc biệt chỉ ra đời trong thời kỳ Nội chiến và chống can thiệp vũ trang của các nước đế quốc. Điều đó hoàn toàn chính xác. Trước hết, vai trò của Lenin trước khi Liên bang Xô viết được thành lập thì ông chỉ là Chủ tịch Hội đồng Dân ủy nước Liên bang Nga Xô viết (Федерация), ông không dính dáng gì đến Ukraina Xô viết, Belorussia Xô viết, Liên bang Ngoại Kavkaz Xô viết (Федерация).

Ukraina Xô viết, Belorussia Xô viết, Liên bang Ngoại Kavkaz Xô viết (Федерация) ra đời xuất phát từ những biến động của cuộc Nội chiến, và can thiệp vũ trang. Sau khi các vùng  đất này đánh bại quân xâm lăng, những người Bolsheviks tại đây đã quyết định thiết lập chính quyền Xô viết và tạo lập nên những nước Cộng hòa này. Và do đó mối quan hệ giữa các nước Cộng hòa này với nước Nga trước khi thành lập Liên bang Xô viết gọi là các nhà nước liên minh (конфедерация) - một sản phẩm của lịch sử không phụ thuộc vào ý chí của Lenin.

Nhưng vì sao các vùng đất này không phải là thành phần của nước Nga mà lại là các vùng đất độc lập ?

Hệ quả của nó đến từ Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1917 và Cách mạng tháng Mười 1917. Thực vậy, bên cạnh việc tồn tại hai chính quyền là Xô viết đại biểu Công nhân, binh lính và Chính phủ lâm thời, trên thực tế khắp nước Nga đã xuất hiện các tổ chức tiền thân của các Nhà nước độc lập như: Hội đồng Trung ương Ukraina (thành lập tháng 3/1917), Hội đồng Lítva, Hội đồng Ngoại Kavkaz và rất nhiều phong trào dân tộc khác. Khi Nội chiến bùng nổ, các tổ chức này thành lập các Chính phủ của nó, thậm chí tham gia vào liên minh các nước đế quốc hoặc Bạch Vệ đánh chính quyền Xô viết. Sau khi Hồng quân thắng lợi giành lấy chính quyền tại các vùng lãnh thổ này, trên cơ sở các vùng dân tộc đã hình thành hiện hữu trong chiến tranh, quyết định về việc thành lập các Nhà nước đại diện cho các dân tộc này theo mô hình Xô viết đã ra đời. Do đó các nước cộng hòa Ukraina Xô viết, Belorussia Xô viết, Liên bang Ngoại Kavkaz Xô viết và một vài nước cộng hòa Xô viết khác nữa đã ra đời là một yếu tố đặc biệt của lịch sử nước Nga.

Vì thực hiện những nhiệm vụ chung nhất đó là đánh bại quân xâm lược và giành chiến thắng trong Nội chiến. Các quốc gia Xô viết này đã phải liên hệ mật thiết với nước Nga Xô viết của Lenin dưới hình thức các nhà Liên minh (конфедерация). Tuy nhiên, các nhà Liên minh (конфедерация) chỉ tồn tại đến khi tham gia Liên bang Xô viết, sau đó Liên Xô được tổ chức dưới một mô hình Nhà nước toàn toàn khác. Có thể thấy, đó là một sản phẩm của Lịch sử, chứ không phải quan điểm, ý chí của Lenin. Và các nhà Liên minh (конфедерация), đóng vai trò rất quan trọng trong việc chiến thắng và gìn giữ lãnh thổ nước Nga, đúng theo lời Stalin nói “trên thực tế đã rơi vào một tình trạng là hoàn toàn cách biệt nhau, hoàn toàn bị cắt đứt liên hệ với nhau”, nếu không có các nhà Liên minh (конфедерация), nước Nga sẽ thực sự tan rã.

Bây giờ tôi sẽ nói đến chuyện khác, Nhà nước Liên bang Xô viết. Khi các nhà nước liên minh gần gũi nhau, họ đã quyết định đến việc hình thành một Nhà nước liên bang thống nhất. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là lựa chọn (Федерация) hay (Союз государств). Thực chất (Федерация) là một liên bang trong đó các chủ thể đều có quyền ngang nhau, còn (Союз государств) là một nhà nước đơn nhất, do một Trung ương trung tâm giải quyết vấn đề. Liên Xô tan rã, là bởi vì họ chuyển sang (Федерация), giao quyền vào tay các nước cộng hòa, và khi Cộng đồng các quốc gia độc lập ra đời bởi các nước Cộng hòa riêng lẻ, thì Liên Xô cũng sụp theo. Còn (Союз государств) là một Nhà nước đơn nhất, thống nhất, do một Chính phủ Trung ương đảm nhiệm, nên nói vui rằng mọi ý tưởng ly khai Nhà nước khỏi (Союз государств) là điều không tưởng, bởi vì nó hoàn toàn thống nhất về mặt chính trị.

Người lãnh đạo công tác Thiết lập sự liên minh giữa các nước Cộng hòa Xô viết theo hình thức liên bang đơn nhất, đó chính là Dân ủy bộ Dân tộc Stalin, trên cơ sở những tư tưởng của Lenin về mô hình (Союз государств) đã được nêu ra từ hồi tháng 5/1917. Sau khi các nhà lãnh đạo Đảng của Nam Caucasus đã gửi thư cho Ban chấp hành Trung ương Nga Xô viết về việc cần phải tạo lập một Nhà nước mới, Stalin đã chuẩn bị 2 bài phát biểu quan trọng báo cáo về tình hình này trước Đại hội các Xô viết toàn Nga (26/12/1922), và các Đại hội Xô viết thứ nhất toàn Liên bang Xô viết (30/12/1922) nói về tính cấp thiết và ý nghĩa của sự liên minh này.

Ngày 29/12/1922, đại diện các nước Cộng hòa Xô viết đã ký quyết định về Hiệp ước thành lập liên minh các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Chính từ thời điểm này, Liên Xô chính thức ra đời. Tuy nhiên, vấn đề ở đây mà chúng ta quan tâm đó là Liên Xô theo mô hình gì ? được quy định ra sao? Sau đây tôi xin trích nội dung của Hiệp ước để chúng ta thấy rõ mô hình Nhà nước của nó:

“Điều 2: Cơ quan có quyền lực tối cao trong Liên minh các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết là đại hội các Xô viết của Liên minh và trong khoảng giữa các đại hội, là Ban chấp hành trung ương của Liên minh”.

Ràng buộc thêm: “Điều 4: Những đại biểu dự đại hội các Xô viết toàn liên minh là do các Đại hội Xô viết Tỉnh cử ra”.

“Điều 9: Ban chấp hành trung ương toàn Liên minh bầu ra Đoàn chủ tịch là cơ quan quyền lực TỐI CAO của Liên minh, trong khoảng giữa hai phiên họp của Ban chấp hành Trung ương”.

“Điều 11: Cơ quan chấp hành của Ban chấp hành Trung ương toàn Liên minh là Hội đồng Dân ủy của Liên minh, Hội đồng ấy do Ban chấp hành Trung ương bầu ra trong thời hạn nhiệm kỳ của Ban chấp hành Trung ương…”.

“Điều 13: Các nước cọng hòa liên minh phải thi hành những sắc lệnh và nghị quyết của Hội đồng dân ủy Liên minh các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, và những sắc lệnh, nghị quyết đó phải được áp dụng trực tiếp trong toàn cõi liên minh”.

Như chúng ta thấy, ngay từ văn kiện đầu tiên thành lập Liên bang Xô viết, đã có thể thấy sự thống nhất tuyệt đối và sự tập trung tuyệt đối của mô hình Nhà nước (Союз государств).  Hiến pháp 1924 đã cụ thể hóa Hiệp ước này, cho nên tôi không cần phải nhắc lại.

Còn đây là lời nhận xét của Vinh chồn bạn tôi:

Nhưng Joseph Vissarionovich vẫn không đồng ý với tình trạng mới đưa ra và cố gắng tối ưu hóa chính Liên Xô càng nhiều càng tốt, cố đưa nó đến gần hơn với một nhà nước thống nhất. Trước đó, năm 1922, Lenin đòi hỏi Liên Xô chỉ có "quân đội và ngoại giao”, và tất cả và mọi mặt khác để lại hoàn toàn độc lập cho các Dân ủy riêng rẽ. Trên thực tế, Lenin chủ trương thành lập liên minh (конфедерация), và hy vọng rằng điều này sẽ tạo điều kiện cho việc các quốc gia mới gia nhập vào Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, mô hình tập trung hơn thế đã được chọn. Và nếu Stalin hoàn toàn đồng ý với Lenin, thì Liên minh Xô viết đã tan rã ngay vào những năm 1920 - sau tất cả, đã không có cuộc Cách mạng thế giới nào như Lenin muốn được lên kế hoạch hay xảy ra.

Năm 1936, Stalin đã sử dụng Hiến pháp mới để tăng cường tính thống nhất của các nhà nước. Nếu trước đó Liên hiệp các Xô viết về cơ bản là thỏa thuận, thì bây giờ nó đã trở thành Hiến pháp – Đây là bản Hiến pháp tồn tại lâu nhất khối XHCN, 41 năm.

Đấy, anh bạn Trần Vinh của tôi đã nhận xét như một kẻ chẳng biết gì. Thậm chí anh ta còn lầm rằng Hiến pháp 1936 là “để tăng cường tính thống nhất của các nhà nước” - trong khi vốn dĩ Hiến pháp 1936 vẫn giữ nguyên mô hình (Союз государств), vốn đã được cụ thể hóa từ Hiến pháp 1924 của Liên Xô đã cụ thể rõ mô hình Nhà nước thống nhất tập trung này rồi. Thay vì chịu tìm hiểu, anh ta lại chỉ chấp nhận được mớm lời từ các bài báo mạng tư sản chống Lenin ở Nga.

4. Liên bang Xô viết sụp đổ.


Tất nhiên, không phải đến tháng 3/1991 thì Liên Xô mới suy yếu. Một điều rõ ràng là Liên bang Xô viết đã suy yếu từ trước đó. Nhưng vấn đề ở đây, tôi đề cập đó là về mô hình Nhà nước. Tôi tin rằng, ngay cả khi Đảng Cộng sản Liên Xô có bị tước quyền lực đi nữa, thì Nhà nước thống nhất Liên minh các nước Cộng hòa Xô viết vẫn sẽ không tan rã vì cơ cấu Nhà nước thống nhất không cho phép nó tan rã. Họ muốn làm phá tan mô hình Nhà nước nay, thay vào mô hình Nhà nước ít tập trung hơn, có khả năng ly khai, và sẽ làm Liên minh này hoàn toàn tan rã. Do đó, không chỉ làm Đảng Cộng sản mất đi vai trò cầm quyền, mà trên thực tế họ còn muốn xét nát nước Nga, nhằm làm cho nước Nga dù dưới hình thức nào: tư bản hay cộng sản đều sẽ không thể hồi phục sự vĩ đại của nó như trong Lịch sử hàng nghìn năm của nó.

Chúng ta biết nhiều đến cuộc trưng cầu dân ý việc duy trì Liên Xô. Nhưng rất ít ai biết rằng vấn đề thực sự nằm sau đó: Chuyển đổi mô hình Nhà nước từ thống nhất (Союз государств) thành liên bang (Федерация). Tức là việc xóa bỏ chính phủ tập trung Liên Xô. Đó mới chính là quả bom nổ chậm thực sự bên dưới tòa Nhà Liên bang Xô viết, điều mà dám chắc rằng Tổng thống Nga Putin không dám nói tới.

Ngày 24 tháng 12 năm 1990, Đại hội IV Đại biểu nhân dân Liên Xô tiến hành bỏ phiếu xem xét việc duy trì mô hình Liên Xô như một liên bang  (Федерация) của các nước Cộng hòa - 69%  đại biểu. Cùng ngày, theo kiến nghị của Tổng thống Liên Xô - Gorabachev, Hội đồng Xô viết tối cao đã thông qua Nghị quyết về trưng cầu dân ý. Ngày 16 tháng 1 năm 1991, câu hỏi chính đã được Hội đồng Xô viết tối cao chấp thuận:

“Bạn có thấy cần phải duy trì Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết như một hình thức liên bang mới (Федерация) của các nước cộng hòa bình đẳng về chủ quyền, dân tộc, mọi quyền và sự tự do của con người sẽ được đảm bảo ?” - Trả lời Có / Không?

Tháng 3/1991, cuộc trưng cầu dân ý với 76% người tán thành duy trì Liên bang Xô viết dưới mô hình mới (Федерация) đã giáng một đòn căn bản vào nền tảng Liên minh giữa các nước Cộng hòa Xô viết. Tiếp theo đó, để thực hiện hóa kết quả cuộc trưng cầu dân ý, một dự thảo Hiệp ước liên minh mới đã được thảo ra để tạo ra tính pháp lý của các mối quan hệ giữa các nước Cộng hòa đã bắt đầu. Quá trình dự thảo của nó đã được tiến hành trong tháng 4 và tháng 6 năm 1991, với kết quả một Hiệp ước liên minh mới đã được ký kết ngày 23 tháng 7 năm 1991 có tên gọi: “Hiệp ước liên minh các quốc gia có chủ quyền”.

Nội dung của Hiệp ước sẽ phản ánh tính pháp lý thay đổi mô hình Nhà nước:

“Điều 1: Mỗi nước cộng hòa - chủ thể của Hiệp ước - là một quốc gia có chủ quyền. Liên bang Cộng hòa Xô viết có chủ quyền (Liên Xô) là một quốc gia dân chủ liên bang (Федерация) được hình thành do sự thống nhất của các nhà nước cộng hòa trên cơ sở bình đẳng và thực thi quyền lực Nhà nước theo các quyền được trao cho các bên tham gia Hiệp ước”.
“Điều 2: Các quốc gia có chủ quyền trong liên bang có quyền giải quyết độc lập tất cả các vấn đề phát triển của mình, đảm bảo các quyền và cơ hội chính trị bình đẳng cho các dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa trong lãnh thổ mình…”

“Điều 5: Các quốc gia tạo nên liên bang sở hữu toàn bộ quyền chính tri, độc lập, xác định cấu trúc quốc gia, hành chính lãnh thổ, hệ thống chính quyền và chính quyền. Họ có thể ủy quyền một phần quyền hạn của mình cho thành viên khác trong liên bang”.

Như vậy, Hiệp ước liên minh mới nhằm thực hiện hóa mô hình Nhà nước Liên bang (Федерация) đã tạo ra cơ sở cho việc ly khai Liên Xô. Ngày 6 tháng 9 năm 1991, ba nước Baltic - Latvia, Litva và Estoina rời khỏi Liên Xô. Ngày 1 tháng 12 năm 1991, cuộc trưng cầu dân ý độc lập của Ukraina đã diễn ra dẫn đến sự ly khai hoàn toàn của Ukraina khỏi Liên Xô. Ngày 8 tháng 12 năm 1991, Hiệp định Belovezha về việc tạo ra Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đã được ký kết bởi Nga, Belarus, Ukraina trên thực tế đã chấm dứt tính pháp lý hoạt động của Nhà nước Liên bang Cộng hòa Xô viết.

Việc có thể tiến triển nhanh như thế khi và chỉ khi Nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết chuyển dần từ hình thức Liên bang thống nhất (Союз государств) sang liên bang ít tập trung hơn (Федерация). Mở đầu quá trình đó chính là Gorbachev, và sau đó được thực thi bởi Yeltsin và một loạt những người đứng đầu các nước cộng hòa khác thuộc không gian Xô viết.

Đó là nguồn gốc của sự tan rã Nhà nước Liên bang Xô viết.



Kết


Ai đặt ra quả bom nổ chậm dưới mái nhà Liên bang Xô viết thống nhất ?

Đó là Gorbachev và những kẻ theo quan điểm của ông ta, bao gồm có cả Yeltsin (khoảng 69% đại biểu ủng hộ hình thức liên minh mới của Gorabachev trong Đại hội IV đại biểu nhân dân Xô viết) . Ngoài ra, còn có 76% những người ủng hộ cho cuộc trưng cầu dân ý tháng 3/1991 - mặc dù họ, phần nào tư cách là nạn nhân của hệ thống chính trị của Gorbachev. Sự thiết lập của hình thức liên bang mới vào tháng 23 tháng 7 năm 1991, đánh dấu bước ngoặt dẫn đến sự sụp đổ thực tế của Liên bang vào ngày 8 tháng 12 năm 1991, tức là ngày Cộng đồng các nước độc lập CIS ra đời.

Tôi cá là Putin không dám công khai nhận điều trên, vì chính ông và ông Yeltsin là một trong những người ủng hộ cuộc trưng cầu này. Nói cách khác, hoặc các ông tham gia trực tiếp hoặc các ông gián tiếp làm tan rã Nhà nước liên bang thống nhất - Tổ quốc của chính các ông - chứ không phải ai khác.

Thật buồn cười, Putin chưa bao giờ dám nói xấu Yeltsin, một kẻ công khai tuyên bố đạp đổ Liên Xô, nhưng lại xuyên tạc các vị tiền nhân đã đi vào giấc ngủ ngàn thu.

Trong khi các vị chính là người cầm cái búa, cầm quả bom được Gorbachev giao cho và ném vào nền tảng Nhà nước Nga thống nhất, thì các vị lại không dám nhận, lại đổ cái tội ấy vào Lenin - người sáng lập ra Nhà nước liên bang Nga thống nhất và vĩ đại của Tổ Quốc mình. Ai mới là người xuyên tạc lịch sử ?

Liệu Tổng thống Nga Putin lại không biết gì về chính lịch sử của Tổ quốc mình và cả nền tảng cơ cấu Nhà nước đó ? Tôi nghĩ rằng không có chuyện đó. Nếu thế thì chẳng có chuyện ông làm được Tổng thống nhiều nhiệm kỳ thế. 

Như vậy, có vẻ vấn đề chỉ có một: CHỐNG CỘNG.

Và người đứng đầu Nhà nước Nga hiện nay lại có vẻ “khiếp sợ” ông lão - biệt danh của Lenin - đang ngủ say trong Lăng trên Quảng trường Đỏ, ngay cả khi ông đã tạ thế cách đây 95 năm. Việc xuyên tạc cuộc đời và tư tưởng của ông vẫn không dừng lại, từ Gorbachev, Yeltsin, Putin, Medvedev.

Công cuộc thập tự chinh của "Bạch Vệ" chống Lenin và Stalin vẫn chưa dừng lại!

#Gấu