VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ THUỘC ĐỊA TRONG CÁCH MẠNG DÂN TỘC GIẢI PHÓNG Ở VIỆT NAM




1. Đặt vấn đề

Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản đầu tiên vận dụng thành công học thuyết Mác – Lê-nin vào trong cách mạng thuộc địa, cụ thể là ở Việt Nam, một nước nửa thuộc địa và phong kiến. Trong quá trình vận dụng đó, Nguyễn Ái Quốc đã có những bước sáng tạo đối với học thuyết Mác – Lê-nin, cải biến sao cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của cách mạng Việt Nam.

Học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là học thuyết khoa học sáng tạo, cung cấp quan điểm, phương pháp luận để nhận thức vấn đề dân tộc và giai cấp. Song, học thuyết Mác – Lê-nin ra đời trong phong trào đấu tranh giai cấp và xem cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp. Chính vì thế, trong học thuyết đó vẫn còn nhiều chỗ chưa sáng tỏ, chưa tiếp cận đến vấn đề đấu tranh giải phóng dân tộc một cách toàn diện và khoa học. Do đó, Quốc tế Cộng sản kế thừa từ học thuyết Mác - Lê-nin về tư duy đấu tranh giai cấp, trong quá trình hoạt động và phát triển của mình, cũng chưa thể nhìn nhận đúng đắn hoàn toàn vấn đề giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa.

Nguyễn Ái Quốc đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lê-nin, từ đó Người phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam hướng theo con đường cách mạng vô sản. Trong đó ý thức đấu tranh giải phóng dân tộc là tiền đề, là động lực để Nguyễn Ái Quốc giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tiếp thu về tư tưởng giai cấp. Do đó, trong quá trình vận dụng vào tình hình thực tiễn cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức đúng đắn mối quan hệ qua lại biện chứng lẫn nhau giữa vấn đề dân tộc và giai cấp. Do đó, trong những hoạt động cách mạng của mình, Người đã có những bước sáng tạo phù hợp và giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.

Sự sáng tạo này thể hiện qua sự khác biệt trong nhận thức giữa Quốc tế Cộng sản và Nguyễn Ái Quốc về việc giải quyết đúng đắn quan hệ dân tộc và giai cấp trong “vấn đề dân tộc và thuộc địa”.

Việc nhận thức đúng đắn vấn đề này có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sẽ làm sáng tỏ hơn những nội dung chủ yếu của tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

2. Vấn đề dân tộc và thuộc địa theo Quốc tế Cộng sản

Vấn đề dân tộc và thuộc địa đã được Mác và Ăng-ghen đề cập không ít trong các hoạt động của ông. Tuy nhiên, do yếu tố thời đại, vấn đề dân tộc và thuộc địa đó chưa được bàn sâu đồng thời cũng không thể phổ quát được trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Lê-nin là người kế thừa sự nghiệp đó và cũng là người đầu tiên vạch rõ con đường đúng đắn cho vấn đề dân tộc và thuộc địa những năm đầu thế kỷ XX. Ngay khi Đảng Cônng nhân xã hội dân chủ Nga ra đời, Lê-nin đã đề ra cương lĩnh về vấn đề dân tộc và thuộc địa, nội dung chính yếu của nó đó là quyền dân tộc tự quyết.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Lê-nin đã nghiên cứu và viết nhiều về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Lê-nin viết tác phẩm “Cách mạng xã hội chủ nghĩa và quyền dân tộc tự quyết” được Trung ương Đảng Bolsheviks thông qua được coi là cương lĩnh của Đảng về vấn đề dân tộc và thuộc địa, là một bộ phận lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Vấn đề tự quyết, Lê-nin phân biệt thành ba nhóm chủ yếu. Nhóm thứ nhất: đó là các dân tộc tộc lớn, các nước tư bản chủ nghĩa có trình độ phát triển cao. Các dân tộc ấy đi áp bức các dân tộc nhỏ và dân tộc thuộc địa. Do đó, nhiệm vụ của giai cấp vô sản ở các nước đó là đấu tranh cho quyền tự do tách riêng của các thuộc địa và các dân tộc bị áp bức trong nội bộ các nước lớn; Nhóm thứ hai: các miền, quốc gia có các phong trào dân chủ tư sản (kiểu mới). Nhiệm vụ của giai cấp vô sản là thống nhất cuộc đấu tranh giai cấp với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, nhằm chống lại địa chủ và tư sản; Nhóm thứ ba: là ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đang chuẩn bị cho phong trào dân chủ tư sản, những cuộc khởi nghĩa chống chế độ thực dân. Những người vô sản giác ngộ và đảng cách mạng của giai cấp vô sản ở chính quốc phải đấu tranh để giải phóng nhân dân thuộc địa.

Trên cơ sở của chủ nghĩa Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, J. Sta-lin đã viết một tác phẩm hoàn chỉnh của chủ nghĩa Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa dưới nhan đề “Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc” được viết vào năm 1913 ở Áo. Trong tác phẩm của mình, J.Sta-lin cho rằng các dân tộc ở phương Tây ra đời trong chế độ tư bản chủ nghĩa bởi sự tác động của những yếu tố kinh tế tư bản làm phá vỡ những quan niệm sinh sống bao đời nay của nhân dân trong thời kỳ Trung cổ dưới ách thống trị của chế độ phong kiến tản quyền. Do đó, ông đề ra khái niệm cụ thể về dân tộc rằng: “Dân tộc là một khối người cộng đồng ổn định, thành lập trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ về sinh hoạt kinh tế và về cấu tạo tâm lý biểu hiện trong cộng đồng văn hóa[1].

Cho nên J.Sta-lin xác định rằng vấn đề dân tộc ở phương Tây (trong hoàn cảnh đầu thế kỷ XX) cốt lõi của nó vấn đề giai cấp. Cố nhiên là J.Sta-lin không đồng nhất mọi dân tộc ở mọi lục địa lại ra đời giống như vậy. Ở Đông Âu, J.Sta-lin lại quan niệm dân tộc đã tồn tại trong chế độ phong kiến trung ương chuyên chế. J.Sta-lin viết: “Trong khi ở phương Tây các dân tộc đã phát triển thành quốc gia, thì ở phương Đông thành lập nên những quốc gia đa dân tộc, những quốc gia bao gồm nhiều dân tộc. Đó là Áo, Hung, Nga. Ở Áo, người Đức tỏ ra tiến bộ nhất về phương diện chính trị: chính họ đã gánh lấy nhiệm vụ hợp nhất của các dân tộc ở Áo thành quốc gia. Ở Hung, người Ma-gy-a là nòng cốt của dân tộc Hung, đã tỏ ra có khả năng nhất để tự tổ chức thành quốc gia và chính họ là những người đã thống nhất nước Hung. Ở Nga, vai trò thống nhất các dân tộc là do người Đại Nga đảm nhiệm, họ có một bộ máy quan liêu quân phiệt của bọn quý tộc, thành lập trong lịch sử, mạnh mẽ và có tổ chức[2].

Nguyên nhân của việc tồn tại quốc gia dân tộc ở Đông Âu được J. Sta-lin giải thích : “Lối đặc biệt ấy trong sự thành lập các quốc gia chỉ có thể diễn ra trong những điều kiện chủ nghĩa phong kiến chưa bị thủ tiêu, trong những điều kiện chủ nghĩa tư bản phát triển còn yếu ớt, còn các dân tộc, từ xưa đến nay, bị dồn lại, chưa có thì giờ củng cố về mặt kinh tế để kết thành dân tộc[3].

Một mặt J.Sta-lin chỉ ra nguồn gốc về sự thành lập các dân tộc ở phương Đông là do chế độ phong kiến quân phiệt. Một mặt J.Sta-lin vẫn chứng thực vấn đề dân tộc thuộc địa trong lòng các chế độ phong kiến quân phiệt khi đó vẫn là vấn đề đấu tranh giai cấp. Điển hình như là ở nước Nga Sa hoàng, sau khi chế độ nông nô đã bị xóa bỏ khỏi nước Nga, khi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng xâm nhập rộng rãi vào tận các miền quê, các hoạt động của chủ nghĩa tư bản ở nước Nga Trung ương đã làm hình thành nên các ý niệm dân tộc ở các sắc tộc nhỏ lẻ. Các miền được cư trú bởi những người Lét-tô-ni, Li-tu-a-ni, U-cờ-rai-na, Giê-óc-gi, Ác-mê-ni, .... ở Nga đã kết hợp lại thành dân tộc. Và chính điều đó làm xuất hiện nên các phong trào dân tộc. Tuy nhiên, các trào lưu dân tộc đó diễn ra không phải bùng lên giữa các dân tộc với nhau, mà chỉ bộ phận thống trị của dân tộc lớn với toàn thể dân tộc bị đè nén. Cho nên J.Sta-lin đúc kết rằng, vấn đề dân tộc thuộc địa ở những nơi có phong trào dân chủ tư sản vẫn là vấn đề đấu tranh giai cấp, là sự thống nhất giữa phong trào giải phóng dân tộc và đấu tranh giai cấp.

Cố nhiên, lý luận này có khuyết điểm, nó không thể phổ quát cho một số dân tộc ở phương Đông. Nơi mà các dân tộc tộc đó đã hình thành trong chế độ quân chủ chuyên chế trước khi họ trở thành thuộc địa của các cuộc xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây như trường hợp của Việt Nam; nơi mà các ý niệm về cội nguồn dân tộc và ý thức bảo vệ cộng đồng dân tộc đã hình thành trước cả khi mâu thuẫn về giai cấp xuất hiện. Do đó, chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa yêu nước chiếm một vai trò và vị trí rất quan trọng trong phong trào dân tộc. Lý luận của J. Sta-lin không thể phổ quát cho trường hợp đó, và do đó cần phải có một thời gian dài để có thể nhận thức được.

Chủ nghĩa Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa là cơ sở căn bản cho việc ra đời các chính sách về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Và qua các kỳ Đại hội của mình, Quốc tế Cộng sản cũng đã có những chuyển biến tư tưởng, điều chỉnh nhất định về chính sách của mình đối với vấn đề dân tộc và thuộc địa. Thông qua những sự điều chỉnh đó, và sự phát triển đó chúng ta có thể nhận thức được những tác động của nó đối với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa nói chung, của cách mạng Việt Nam nói riêng.

Đại hội lần thứ I của Quốc tế Cộng sản (3/1919) được triệu tập trong tình hình phong trào cách mạng của giai cấp công nhân các nước châu Âu lên cao. Đại hội có các đại biểu của các đảng cộng sản và nhóm cộng sản ở 30 nước tham dự. Trong chương trình nghị sự không có vấn đề thuộc địa, nhưng một số bản báo cáo, bài phá biểu và Tuyên ngôn của Quốc tế cộng sản có đề cập đến vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Vấn đề dân tộc và thuộc địa trong Tuyên ngôn của Quốc tế Cộng sản có một vài đặc điểm quan trọng. Thứ nhất, người ta không phải vì tự cho rằng ở các thuộc địa chưa hình thành cộng đồng dân tộc mà Quốc tế Cộng sản không giúp đỡ cho sự hình thành phong trào dân tộc riêng. Mà vì Quốc tế Cộng sản xem các nước thuộc địa, trình độ của phong trào dân tộc chưa tiến tới hình thức dân chủ tư sản kiểu mới, cho nên họ quan niệm: “Việc giải phóng các thuộc địa chỉ có thể tiến hành đờng thời với việc giải phóng giai cấp vô sản ở chính quốc[4].

Điều này dựa trên quan điểm về quyền dân tộc tự quyết của Lê-nin, xem vấn đề thuộc địa là nhóm thứ ba. Và chính vì phụ thuộc vào chính quốc, cho nên Quốc tế Cộng sản xem vấn đề dân tộc thuộc địa cũng là bộ phận của cuộc đấu tranh giai cấp, Tuyên ngôn có viết: “Ngay từ bây giờ, trong các thuộc địa phát triển nhất, cuộc đấu tranh không còn là lá cờ hiệu của sự nghiệp giải phóng dân tộc mà đã mang tính chất xã hội công khai”; “Những người nô lệ thuộc địa ở châu Á và châu Phi, thời điểm của nền chuyên chính vô sản châu Âu cũng sẽ là thời điểm giải phóng cho các bạn[5].

Đại hội II của Quốc tế Cộng sản (7-8/1920), diễn ra trong bối cảnh phức tạp khi sự ra đời của một loạt các đảng cộng sản, xu hướng phân hóa và đấu tranh trong Quốc tế với đường lối “tả khuynh” và “hữu khuynh”. Đại hội có 169 đại biểu chính thức, có quyền biểu quyết và 48 đại biểu tư vấn, đại biểu cho các đảng và các tổ chức cộng sản của 37 nước. Chương trình nghị sự của Đại hội có 10 điểm, vấn đề dân tộc và thuộc địa xếp vào điểm thứ 5.

Tại Đại hội II, vấn đề dân tộc và thuộc địa đã được Lê-nin phát triển vượt bậc về chất so với Đại hội I. Lê-nin cho rằng, những người lãnh đạo của phương Đông (chỉ ở những nước có tình thế của cách mạng dân chủ tư sản) phải giành quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với phong trào giải phóng dân tộc, giành tín nhiệm chính trị với nông dân, phải thỏa mãn yêu cầu ruộng đất của họ, tổ chức nông dân chống ách áp bức của đế quốc và phong kiến phản động, từng bước nâng cao ý thức của quần chúng nhan dân. Đây chính là điểm mới trong tư duy về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, từ chỗ trước đây chỉ xem các thuộc địa và nửa thuộc địa còn trong thời kỳ sơ khai (chưa có tiền đề cách mạng dân chủ tư sản) nên xếp họ vào “nhóm ba”. Thì đến Đại hội II đã nhận thức rõ về khả năng cách mạng của các nước thuộc địa, nửa thuộc địa nên xếp họ vào “nhóm hai” – có khả năng tiến hành cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới) chủ trương đấu tranh chống địa chủ và tư bản thì nay đã giảm nhẹ còn đấu tranh chống địa chủ và tranh thủ những phần tử tư sản có tính cách mạng[6].

Tất nhiên, nó vẫn là cuộc đấu tranh có tính chất giai cấp. Chính vì thế, Lê-nin nêu rõ: ở các nước lạc hậu, đảng vô sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, không chỉ liên minh với quần chúng vô sản, mà còn cần phải tranh thủ cả tầng lớp tư sản, nhưng không chịu để sự kiểm soát và chỉ đạo của giai cấp tư sản[7].

Trong bài phát biểu ngày 26/7/1920, Lê-nin, thành viên của Tiểu ban vấn đề dân tộc và thuộc địa đã có bản báo cáo, trong đó có 2 vấn đề đáng chú ý: (1) Ở những nước mà quan hệ sản xuất trước chủ nghĩa tư bản vẫn thống trị thì thành lập các Xô viết nông dân (tức là chỉ đánh đổ địa chủ trong nông thôn - TG); (2) Giai cấp vô sản ở các nước tiên tiến có thể giúp đỡ quần chúng ở các nước lạc hậu tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa (tức là quá độ nửa trực tiếp, đồng nghĩa Lê-nin chủ trương các cuộc đấu tranh ở thuộc địa thuần thúy là các cuộc đấu tranh giai cấp vì sau đó sẽ được chuyên chính vô sản thế giới giúp sức mà không cần đi vào giai đoạn tư bản chủ nghĩa, cho nên xem vấn đề dân tộc thống nhất với vấn đề giai cấp - TG). Có thể nói, 2 vấn đề này càng củng cố và hoàn chỉnh hơn về vấn đề dân tộc và thuộc địa theo chủ nghĩa Lê-nin, thuần thúy là thống nhất cuộc đấu tranh giai cấp với phong trào giải phóng dân tộc, tức là giải quyết cùng lúc hai nhiệm vụ phản đế và phản phong. Tư tưởng này ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ các chính sách và đường lối của các thành viên trong Quốc tế Cộng sản.

Đại hội lần IV của Quốc tế Cộng sản (11-12/1922) được tổ chức tại Mát-xcơ-va với sự tham gia của đại diện 58 đảng cộng sản với tất cả 408 đại biểu. Vấn đề dân tộc và thuộc địa được đề cập trong chủ đề “Vấn đề phương Đông”, đây là điểm thứ 6 trong chương trình nghị sự.

Điểm quan trọng đáng chú ý trong Đại hội lần này đó là nhận thức về vai trò của vấn đề ruộng đất. Đại hội chỉ rõ vấn đề ruộng đất có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Quần chúng nông dân đông đảo có thể có ảnh hưởng quyết định đến tiến trình đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Chỉ có cách mạng ruộng đất nhằm xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất mới có thể phát động quần chúng nông dân tham gia đấu tranh. Do đó, đảng cộng sản phải có cương lĩnh ruộng đất nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến và những tàn tích của nó[8].

Như vậy hoàn toàn có thể thấy rõ, những Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản qua bốn kỳ Đại hội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lê-nin, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ II có ý nghĩa nguyên tắc có ảnh hưởng đến các chỉ đạo các đảng cộng sản ở cả chính quốc lẫn các nước thuộc địa và phụ thuộc. Đó là sự phát triển về lý luận, chiến lược và sách lược theo chiều sâu về vấn đề dân tộc và thuộc địa được Lê-nin đề ra từ đầu thế kỷ XX. Đánh giá một cách căn bản, trong hoàn cảnh khi đó, trong điều kiện lịch sử và trong khả năng về nhận thức tư duy cách mạng vô sản, lý luận của chủ nghĩa Lê-nin đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi thế giới.

Sau khi Lê-nin qua đời, những người cộng sản, những chiến sĩ mác-xít trung thành với Chủ nghĩa Lê-nin đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ, phát triển những tinh thần đấy. Nhưng bên cạnh những biểu hiện tích cực đáng được ghi nhận, thì sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản còn nhiều hạn chế, nhất là chưa nhìn thấy hết những khả năng, các hình thức phong phú trong phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trong tình hình mới. Điều này trong chừng mực cũng gây nên những tổn thất không nhỏ đối với Quốc tế cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Đại hội lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản (7-9/1928) được triệu tập vào lúc tình hình thế giới đã bước vào cuối thời kỳ ổn định của chủ nghĩa tư bản, cao trào cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới) đã lên cao ở hầu hết các thuộc địa, nền kinh tế Liên Xô đang bước vào giai đoạn phát triển tốc độ cao để trở thành một nước công nghiệp. Đại hội gồm có 350 đại biểu của 55 đảng cộng sản và 10 tổ chức của 57 nước. Tại Đại hội lần này, bản Cương lĩnh mới về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản đã được thông qua, gồm có 41 điểm.

Về mặt cơ bản, Cương lĩnh mới vẫn tán thành bản Cương lĩnh cũ do Lê-nin thảo tại Đại hội II của Quốc tế Cộng sản, vẫn xem Cương lĩnh tại Đại hội II là kim chỉ nam cho hoạt động của tất cả các đảng. Trong khi đó, suốt thời gian từ Đại hội II đến Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng đã có nhiều sự phát triển lớn mạnh, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và các nước phụ thuộc đã phát triển mạnh mẽ đến một mức độ có thể phát động cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới). Do đó, Cương lĩnh Đại hội II đã xác lập một địa vị mới của phong trào cách mạng của các dân tộc thuộc địa và đặt nhiệm vụ cụ thể cho các đảng cộng sản ở các nước thuộc địa phải tiến hành cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới), trong đó hai nhiệm vụ chủ yếu là phản đế và phản phong.

Nếu như tại Đại hội I, Lê-nin đã xác lập rằng các nước thuộc địa đứng trước tiền phong trào dân chủ tư sản thì phụ thuộc vào đảng cộng sản và phong trào công nhân ở chính quốc. Đến Đại hội II, Lê-nin chỉ xác nhận một số ít thuộc địa có khả năng tiến hành cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới) thì cho đến Đại hội VI, Quốc tế Cộng sản xác nhận phần lớn các nước thuộc địa đã có khả năng tiến hành cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới). Đó là một sự trưởng thành vượt bậc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Do đó, Cương lĩnh Đại hội VI xác lập nhiệm vụ cho các đảng cộng sản ở các nước thuộc địa: “phải tiến hành cách mạng dân chủ tư sản, chuẩn bị những tiền đề cho chuyên chính vô sản và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng dân chủ tư sản ở đây có liên hệ hữu cơ với đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc. Cách mạng ruộng đất là xương sống của cách mạng dân chủ tư sản. Giai cấp tư sản mại bản ở thuộc địa là đồng minh của chủ nghĩa đế quốc. Giai cấp tư sản dân tộc do dự, sẵn sàng thỏa hiệp, theo chủ nghĩa dân tộc cải lương[9].

Có ý kiến từ giới nghiên cứu cho rằng Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản mang đậm màu sắc xu hướng tả khuynh. Liệu có đúng như thế không? Thực tế, nói đến cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới), tức là nói đến thực hiện hai nhiệm vụ song song, đó là phản đế và phản phong - tức là thống nhất nhiệm vụ giải phóng dân tộc cùng với nhiệm vụ đấu tranh giai cấp. Chính vì thế, có thể nói Đại hội VI và Cương lĩnh về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản không phải là bị ảnh hưởng bởi xu hướng tả khuynh. Mà thực chất, Đại hội VI và Cương lĩnh Đại hội VI đã tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa Lê-nin về quyền dân tộc tự quyết, phản ánh tư duy đấu tranh giai cấp cao độ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (7-8/1935) được triệu tập trong hoàn cảnh quốc tế trãi qua nhiều biến động. Cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới tư bản từ 1929 đến 1933 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với quần chúng công nhân và nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức. Đời sống hạ thấp, nạn thất nghiệp tràn lan, làm đội ngũ công nhân ngày càng đông đảo. Cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến các cuộc khủng hoảng chính trị, nhiều nơi phong trào đấu tranh của nhân dân lao động trở nên sôi nổi và thắng thế, điển hình là cách mạng lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế Tây Ban Nha. Nhiều nơi, con đường nghị viện tư sản đã tỏ ra bất lực, đã vội vã chuyển sang phát xít hóa bộ máy nhà nước. Tháng 1/1933, chủ nghĩa phát xít cầm quyền ở Đức tiêu biểu cho thế lực tư sản phản động nhất, chủ nghĩa phát xít còn xuất hiện ở Ý, chế độ quân phiệt Nhật cũng bắt đầu bành trướng.

Đại hội lần VII, có 513 đại biểu tham dự, thay mặt cho 65 đảng cộng sản và 10 tổ chức quốc tế, trong đó có 26 đảng hoạt động không hợp pháp vì bị đế quốc khủng bố. Trung tâm của Đại hội là báo cáo của Đi-mi-trốp về chống nguy cơ chủ nghĩa phát xít đang đe dọa nền hòa bình và an ninh thế giới.

Nếu như các Đại hội III, IV, V, VI là một sự thay đổi về “lượng” của Đại hội II, thì Đại hội VII lần này là một sự thay đổi về chất toàn diện so với Đại hội II. Đại hội VII lần này nhận định việc chuyển biến nhanh chóng từ cách mạng dân chủ tư sản lên chủ nghĩa xã hội là không phù hợp với tình hình, và đánh giá không đúng nhiệm vụ chống chủ nghĩa đế quốc. Lần đầu tiên, Đại hội xác lập nhiệm vụ chủ đạo ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, là cách mạng giải phóng dân tộc, chống ách xâm lược của đế quốc chủ nghĩa, do đó cần thành lập mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa đế quốc, trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân và nông dân là bộ phận chiếm đa số trong nhân dân[10].

Nghị quyết Đại hội VII đã mở ra những khả năng mới cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, nhiều hình thức phong phú của cách mạng cũng được vận dụng sáng tạo. Cũng ở Đại hội VII, cách mạng Việt Nam, cách mạng Trung Quốc và các nước thuộc địa khác cũng đã tìm thấy con đường phù hợp cho tiến trình cách mạng ở nước mình.

3. Vấn đề dân tộc và thuộc địa theo Nguyễn Ái Quốc


Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta cho đến trước Cách mạng tháng Tám, căn bản nước ta là một nước có tính chất nửa thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu. Chính tính chất đó quy định mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam đó là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc Pháp và dân tộc Việt Nam, mâu thuẫn giữa nông dân với giai cấp phong kiến địa chủ. Trong hai mâu thuẫn đó, mâu thuẫn dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa đế quốc Pháp là mâu thuẫn chủ yếu.

Tính chất xã hội quyết định đến đối tượng, nhiệm vụ, tính chất và động lực của cách mạng Việt Nam. Do đó, cách mạng Việt Nam có hai đối tượng, thứ nhất là chủ nghĩa đế quốc, thứ hai là giai cấp phong kiến địa chủ. Chính vì thế cách mạng Việt Nam phải thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản đó là cách mạng giải phóng dân tộc (nhiệm vụ phản đế) giành độc lập cho dân tộc; cách mạng dân chủ (nhiệm vụ phản phong) đánh đổ triều đình phong kiến và giai cấp địa chủ, mang lại ruộng đất cho nông dân. Đó là hai nhiệm vụ cơ bản, chủ yếu của cách mạng Việt Nam, mà nhiệm vụ phản đế là nhiệm vụ chủ yếu.

Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Nhiệm vụ thứ nhất, nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng ta ngày nay là phải đưa kháng chiến đến thắng lợi. Các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào đó[11].

Do đó, nội dung của cách mạng Việt Nam trong suốt giai đoạn này chính là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng trong phạm trù của cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới. Quan điểm này có nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa Lê-nin về cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới), nhưng không giống hòan toàn. Nhưng nói đến chủ nghĩa Lê-nin tức là nói cái phổ quát, nhưng nói đến cách mạng Việt Nam thì phải nói đến cái đặc thù, cái riêng biệt trong điều kiện của Việt Nam. Bên cạnh vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới), thì cần phải có tư duy sáng tạo, nhận thức đúng đắn những điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, không giáo điều máy móc, chủ quan duy ý chí.

Trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, đặc thù là: nhân tố “dân tộc” có một vị trí quan trọng, chủ yếu. Điều đó làm cho vấn đề Mặt trận dân tộc, đồng minh của vô sản có những khả năng mới, những hình thức mới, đôi khi là dùng cả những hình thức cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ (chính phủ Nghị viện). Nhưng các hình thức này chính là chính quyền cách mạng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của liên minh công – nông do đó nó có khả năng chuyển tiếp hòa bình lên chủ nghĩa xã hội mà không trãi qua nội chiến cách mạng như cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới) Và vì cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam còn chĩa mũi nhọn vào chủ nghĩa đế quốc cho nên sẽ làm lực lượng của hệ thống tư bản chủ nghĩa suy yếu, do đó nó là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, đặc thù là: ta có những điều kiện thuận lợi cụ thể: giai cấp tư sản còn non yếu; động lực chủ yếu của cách mạng là quần chúng công - nông và tầng lớp tiểu tư sản có học thức; quyền lãnh đạo cách mạng rơi vào tay quần chúng vô sản và đội tiên phong của nó là Đảng cộng sản; Đảng cộng sản từ khi ra đời đã nắm quyền lãnh đạo của phong trào cách mạng (khác với các nước thuộc địa và nửa thuộc địa khác). Chính vì thế dẫn đến con đường phát triển của cách mạng nước ta là đánh đổ đế quốc và phong kiến sẽ mở đường cho xã hội Việt Nam phát triển theo chế độ dân chủ nhân dân.

Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, đặc thù của nước ta là: trong một nước nông nghiệp lạc hậu, quan hệ sản xuất phong kiến là quan hệ chủ đạo trong nông thôn, chế độ áp bức nông dân vẫn còn nặng nề. Do đó, vấn đề thủ tiêu chế độ chiếm hữu phong kiến, xóa bỏ giai cấp địa chủ, làm cách mạng ruộng đất là vấn đề căn bản của cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta. Tuy nhiên, trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta, không chỉ có mỗi vấn đề nông dân, mà còn nhiều vấn đề khác, trong đó vấn đề mặt trận dân tộc thống nhất, vấn đề chính quyền nhân dân, vấn đề chế độ dân chủ nhân dân cũng có những vị trí quan trọng không kém. Chính vì thế, trong tiến trình cách mạng ở nước ta, có những lúc nhiệm vụ phản phong phải bị tạm gác lại để phục vụ nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng là phản đế để thành lập mặt trận dân tộc thống nhất hoặc khi chưa có điều kiện chín muồi cho sự phát triển của nó thì phải có các hình thức trung gian, ôn hòa hơn.

Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ dụng ý của Đảng ta sau Hội nghị Trung ương 11/1939 khi không đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của địa chủ là “để kéo tầng lớp địa chủ vào Mặt trận dân tộc[12].

Sỡ dĩ phải như thế vì nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam là nhiệm vụ phản đế, cũng chính là vấn để tổ chức Mặt trận thống nhất dân tộc, đoàn kết toàn bộ dân tộc, tranh thủ mọi lực lượng và trung lập hóa mọi lực lượng có thể trung lập nhằm thực hiện đến cùng nhiệm vụ phản đế đó là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc. Trong tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta, bước vào thời kỳ đầu tiên, do lực lượng của địch mạnh, để giảm thiểu tổn thất và sự phản kháng của các phần tử địa chủ, thì ta buộc phải trung lập hoặc tranh thủ mọi lực lượng để chống chủ nghĩa đế quốc, cho nên nhiệm vụ phản phong buộc phải sử dụng các hình thức trung gian, ôn hòa hơn, ở một mức độ nhất định là giảm tô giảm tức và tịch thu ruộng đất của đế quốc, phản động, Việt gian tay sai mà chưa đề ra các chủ trương triệt để xóa bỏ chế độ chiếm hũu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến. Nhưng khi cách mạng đã phát triển sâu rộng, có sự hỗ trợ tích cực từ bạn bè quốc tế, thế và lực của ta đang thuận lợi thì phải đẩy mạnh nhiệm vụ phản phong đánh đổ địa chủ phong kiến, thực hiện cải cách ruộng đất, để động viên lực lượng rộng rãi của nông dân tham gia vào cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhưng tiến trình cải cách ruộng đất trong điều kiện cách mạng dân tộc giải phóng đang diễn ra thì buộc phải có những chính sách để thỏa mãn yêu cầu của nông dân, phân hóa địa chủ, tạo điều kiện có lợi cho chính sách mặt trận rộng rãi.

Do những đặc thù như thế, cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam mặc dù có nhiều điểm tương đồng nhưng không phải là cách mạng dân chủ tư sản “kiểu mới”, mà nó phải là một hình thức khác, là hình thức cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Nếu như cách mạng dân chủ tư sản (kiểu mới) có một thời kỳ duy nhất (vì thực hiện hai nhiệm vụ song song) rồi chuyển sang tiền đề cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thì cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam sẽ có hai thời kỳ: thời kỳ thứ nhất, đó là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng trong phạm trù cách mạng dân chủ tư sản “kiểu mới” với hai nhiệm vụ phản đế và phản phong, trong đó nhiệm vụ phản đế là nhiệm vụ chủ yếu, nhiệm vụ phản phong là bổ trợ nhằm thúc đẩy nhiệm vụ phản đế thắng lợi; thời kỳ thứ hai, đó là thời kỳ thực hiện cách mạng dân chủ triệt để với nhiệm vụ phản phong là chủ yếu, đẩy mạnh xóa bỏ tàn tích phong kiến, xóa bỏ giai cấp địa chủ, thực hiện cải cách ruộng đất.

Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân còn đang được thực hiện, thì nội dung của chế độ chính trị là dân chủ nhân dân, nhưng về mặt hình thức là chính quyền dân chủ có tính chất nghị viện; còn sau khi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thắng lợi, thì nội dung của chế độ chính trị là dân chủ nhân dân, hình thức là chính quyền chuyên chính vô sản, bước vào thời kỳ xây dựng những cơ sở vật chất để bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong Luận cương cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh đọc tại Đại hội toàn quốc lần thứ II, đã làm rõ ràng hơn tính chất dân chủ nhân dân ở nước ta: “Hiện nay, vì trình độ phát triển kinh tế khác nhau, nên các nước dân chủ nhân dân trên thế giới chia ra làm hai hạng:

a) Hạng nước dân chủ nhân dân đủ điều kiện thực hiện vô sản chuyên chính, như các nước dân chủ nhân dân Đông Âu.

b) Hạng nước dân chủ nhân dân mới thực hiện dân chủ chuyên chính, như Trung Quốc, Việt Nam, …

Hai hạng nước đó giống nhau về hình thức của chế độ, vì hình thức đều là cộng hòa dân chủ nhân dân. Nhưng khác nhau về nội dung vì nội dung đó, một bên là vô sản chuyên chính, một bên là nhân dân dân chủ chuyên chính. Vô sản chuyên chính cao hơn nhân dân dân chủ chuyên chính một bậc.

Những nước dân chủ nhân dân Đông Âu, đại thể giống Liên Xô về nội dung, vì đều là vô sản chuyên chính, nhưng khác nhau về hình thức, vì Liên Xô theo chế độ Xô viết, còn các nước đó theo chế độ dân chủ nhân dân. Xô viết là hình thức cao của vô sản chuyên chính, dân chủ nhân dân Đông Âu là hình thức thấp. Vô sản chuyên chính Liên Xô khác vô sản chuyên chính Đông Âu về trình độ: Liên Xô đang tiến lên chủ nghĩa cộng sản; các nước Đông Âu mới bắt đầu thực hiện chủ nghĩa xã hội.

Dân chủ nhân dân Trung Quốc và dân chủ nhân dân Việt Nam giống nhau cả về hình thức lẫn nội dung. Vì hình thức đó đề là dân chủ nhân dân và nội dung đều là nhân dân dân chủ chuyên chính. Song dân chủ nhân dân Trung Quốc cao hơn dân chủ nhân dân Việt Nam về trình độ: Trung Quốc căn bản đã làm xong nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đang thực hiện người cày có ruộng và kiến thiết quốc gia, còn Việt Nam thì tập trung lực lượng kháng chiến đặng hoàn thành nhiệm vụ phản đế[13].

Trên đây là những nội dung chủ yếu về tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong tiến trình cách mạng dân tộc giải phóng ở Việt Nam


Cuối thập niên 20 thế kỷ XX, phong trào công nhân ở Việt Nam có những bước phát triển sâu sắc dẫn đến sự ra đời của ba tổ chức cộng sản. Tuy nhiên, ba tổ chức này lại hoạt động riêng lẻ và có xu hướng tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Được nghe báo cáo về tình hình chia rẽ giữa các tổ chức cộng sản trong nước, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm tới Trung Quốc ngày 23/12/1929. Người triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để họp bàn thống nhất các tổ chức này thành một Đảng duy nhất. Hội nghị thành lập Đảng diễn ra tại Hồng Công (6/1-2/1930) đã thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã xác nhận hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng ở Việt Nam là nhiệm vụ phản đế và phản phong tức là “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến[14], nhưng đồng thời làm cho thấy rõ nhiệm vụ phản đế là nhiệm vụ chủ yếu, nhiệm vụ phản phong chỉ giới hạn ở một mức độ nhất định.

Trước mắt, Nguyễn Ái Quốc xác định “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản[15]. Nội dung này phản ánh, việc Nguyễn Ái Quốc xác định tồn tại hai giai đoạn cách mạng riêng biệt, trong đó giai đoạn thứ nhất làm chủ yếu là nhiệm vụ phản đế, giai đoạn thứ hai làm nhiệm vụ phản phong là chủ yếu. Nhưng như vậy không có nghĩa là trong nhiệm vụ phản đế lại không có phản phong, mà ở đây nhiệm vụ phản phong ở một mức độ nhất định nào đó để tiện cho việc phát triển và động viên lực lượng cho cách mạng dân tộc giải phóng. Nhiệm vụ phản phong bị giới hạn trong một số mức độ như sau: (1) Chỉ thâu ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa chứ không phải xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất[16]. (2) Đánh đổ đại địa chủ và phong kiến, chứ không phải đánh đổ toàn bộ địa chủ[17]. (3) Lợi dụng trung, tiểu địa chủ hoặc làm họ trung lập, chỉ đánh đổ bộ phận đã ra mặt phản cách mạng[18].

Mặc dù trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt chưa kịp giải thích rõ ràng, song văn kiện đã phác họa những nét chủ yếu trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam phải là hình thức cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với hai giai đoạn riêng biệt.

Sự kiện Xô viết Nghệ - Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 là một minh chứng cụ thể cho đường lối đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc. Khi những chuyển biến cách mạng ở Nghệ - Tĩnh vượt qua phạm vi nội dung của việc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, các Xã bộ nông nhanh chóng đứng ra lập các chính quyền Xô viết nông thôn - cơ sở của nó là do các quan hệ kinh tế phong kiến còn đang chiếm chủ yếu trong nông thôn Nghệ - Tĩnh. Nhưng Chính quyền Xô viết nông thôn Nghệ - Tĩnh không hoàn toàn thực thi cách thức hoạt động như chính quyền Xô viết ở Nga, đó là đàn áp thẳng tay lực lượng địa chủ. Ngay khi được thành lập, Xô viết Nghệ - Tĩnh tập trung chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ phản đế ngay lập tức khi giải giáp chính quyền đế quốc, phong kiến và tổ chức đàn áp các lực lượng phản cách mạng. Còn nhiệm vụ phản phong được tiến hành ở các hình thức tương đối ôn hòa hơn như giảm tô, giảm thuế, hoãn nợ, tịch thu ruộng công, chia lại ruộng công cho nông dân, sử dụng ruộng công để sản xuất tập thể,...[19] Những chính sách đó và biện pháp của Xô viết nông thôn theo đường lối của Nguyễn Ái Quốc đã tạo ra một khí sắc mới trong nông thôn Nghệ - Tĩnh, tạo niềm tin cho nhân dân vào chính quyền cách mạng và uy tín của Đảng Cộng sản, đồng thời làm phân hóa trong hàng ngũ của chính giai cấp địa chủ.

Sau một thời gian học tập tại Liên Xô, giữa 1930 Quốc tế Cộng sản cử Trần Phú trở về nước. Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng được tổ chức tại Hồng Công. Hội nghị thảo luận và thông qua Luận cương chính trị do Trần Phú khởi thảo. Trong Luận cương chính trị, Đảng ta cũng đề ra hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là phản đế và phản phong, xác định tính chất cuộc cách mạng là cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới (tư sản dân quyền cách mạng) do giai cấp vô sản lãnh đạo. Đây là lần đầu tiên, nội dung cương lĩnh chính trị mang đầy đủ nội dung dân chủ, với khẩu hiệu đánh đổ địa chủ, tịch thu ruộng đất, cách mạng thổ địa, nhiệm vụ phản phong đã được đặt một cách triệt để. Đồng thời, Đảng ta lúc này cũng nhận thức rõ mối liên hệ giữa hai nhiệm vụ phản phong và phản đế: “Hai mặt tranh đấu có liên lạc mật thiết với nhau, vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa[20].

Vì rập khuôn theo Quan điểm của Quốc tế Cộng sản về cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới mà chưa nhìn thấy cái đặc thù trong cách mạng Việt Nam cho nên trong Luận cương không đề cập đến nhiệm vụ nào là nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng, chưa nhìn thấy cái yếu tố tích cực của “chủ nghĩa yêu nước”. Do đó chưa tranh thủ hết được những điều kiện có lợi cho nhiệm vụ phản đế, gây một số ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách Mặt trận dân tộc, và ảnh hưởng đến các khẩu hiệu của Đảng lúc bấy giờ. Án Nghị quyết của Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương tháng 10/1930 đã thủ tiêu đi Cương lĩnh chính trị đầy sự sáng tạo và đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc. Đấy là một tổn thất cho Đảng ta lúc bấy giờ.

Thời kỳ đấu tranh dân chủ 1936-1939, những chủ trương chính sách chúng ta căn cứ vào Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và tình hình mới nên chủ trương cũng khác so với thời kỳ đầu tiên. Nhiệm vụ phản đế được giảm bớt, tăng cường chống phản động thuộc địa và chống phát xít hóa, mở rộng phong trào dân chủ. Nhiệm vụ phản phong thì tạm gác, chủ trương đòi giảm địa tô, chia công điền, chống sưu cao thuế nặng. Thời kỳ này, hạn chế là chưa đặt mục tiêu độc lập dân tộc là mục tiêu lâu dài.

Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ vào năm 1939 khi phát xít Đức tấn công Ba Lan. Hội nghị Trung ương lần 6, lần 7, lần 8 đã từng bước nhận thức lại con đường cách mạng ở nước ta. Đến Hội nghị Trung ương lần 8 chính thức xác lập nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chủ trương đánh đuổi đế quốc Pháp giành độc lập tự do cho dân tộc. Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 8 nêu rõ: “Trong lúc này, khẩu hiệu của Đảng ta là trướchết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương khỏi ách đế quốc Pháp, Nhật[21].

Đảng ta tiếp tục chủ trương “Tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương... cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp, Nhật xâm chiếm nước ta[22]. Đồng thời, để tập trung mọi lực lượng đánh Pháp, Nhật, Đảng ta chủ trương tạm gác nhiệm vụ điền địa, và đề ra chính sách giảm tô, giảm tức, chia lại công điền, và tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian phản quốc để chia cho nông dân. Đây là sự chuyển hướng chiến lược trong sự lãnh đạo của Đảng ta. Kể từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên 1930, đây là lần thứ hai Đảng ta xác lập xem nhiệm vụ phản đế là nhiệm vụ chủ yếu trong cách mạng Việt Nam. Đồng thời, tại Hội nghị Trung ương lần 8, Đảng ta cũng chủ trương đúng nhiệm vụ phản phong, đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công đã đánh dấu một bước chuyển biến khổng lồ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc. Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á đã ra đời. Tuy nhiên, tình hình sau Cách mạng tháng Tám rất là phức tạp, quân Nhật chưa được giải giáp, liên quân Anh - Pháp tấn công vào miền Nam, quân Tưởng tiến vào miền Bắc. Tiếng súng của quân xâm lược bắt đầu quay lại trên mảnh đất quê hương. Với sự quay trở lại can thiệp nhanh chóng của các thế chủ nghĩa đế quốc Anh, Pháp, Tưởng, do đó tính chất xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta vẫn chưa được thanh toán hoàn toàn, hai nhiệm vụ phản đế và phản phong vẫn còn hiện hữu.

Đứng trước tình hình phức tạp ấy, Đảng ta trên tinh thần chỉ đạo tập trung nhiệm vụ phản đế, đã chỉa mũi nhọn chủ yếu chống kẻ thù đế quốc nguy hiểm nhất, trực tiếp nhất lúc này là đế quốc Pháp. Quân đội Nhật thì trung lập, quân đội Anh thì đã rút, ta cố gắng hòa hoãn thân thiện với quân Tưởng. Đảng ta đã tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, trung lập mọi lực lượng có thể trung lập, để giữ vững chính quyền nhân dân đồng thời kêu gọi đồng ào cả nước chuẩn bị kháng chiến.

Từ năm 1950 trở đi, cục diện chiến trường đã thay đổi và dần có lợi cho ta, trên mặt trận ngoại giao ta đã kết nối với các nước xã hội chủ nghĩa. Từ lúc này thế và lực của ta đã thay đổi có lợi cho việc thúc đẩy nhiệm vụ phản phong. Mặc dù Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa II (1953) có nhận định trong giai đoạn 1945-1950 chúng ta còn nhiều sai sót trong nhiệm vụ phản phong, còn xao nhãng trong việc thực hiện nhiệm vụ phản phong. Tuy nhiên, trên thực tế, nhận định ấy có phần hơi nghiêm khắc, những gì Đảng và Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phản phong trong thời gian đó trên thực tế cũng đã gặt hái được những kết quả khả quan, tương thích cho sự nghiệp kháng chiến trong giai đoạn đầu trong điều kiện chúng ta đang từng bước củng cố thế và lực.

Khi Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi. Về chính trị, chúng ta đã mở đầu nhiệm vụ phản phong bằng cách đánh đổ triều đình phong kiến tại Huế, chúng ta cũng đã quét sạch những phần tử Việt gian, phản động trong nông thôn, quét sạch bộ phận phản động nhất của giai cấp địa chủ. Về kinh tế, từ 1945 ta chủ trương giảm tô, chia ruộng đất của Việt gian, tạm cấp ruộng đất của đế quốc và ruộng đất vắng chủ, sắc lệnh giảm tô 1949, thực tế đã đem lại quyền lợi quan trọng cho nông dân. Có thể nói, mặc dù nhiệm vụ phản phong có phần chưa đẩy mạnh vì nặng về đoàn kết, nhẹ về đấu tranh chống địa chủ, song căn bản vẫn là tạo điều kiện thuận lợi nhất để kháng chiến giành lấy những thắng lợi chủ chốt của nhiệm vụ phản đế.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ta (2/1951) được tổ chức, khi ấy Đảng ta ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao Động Việt Nam. Tại Đại hội II này, Đảng đã ban hành một Cương lĩnh chính trị mới, đánh dấu sự hình thành một cách đầy đủ và rõ ràng tư duy của Đảng ta nói chung, và tư duy của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc cho nhân dân Việt Nam. Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam đã kế thừa những tư tưởng của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta và hoàn chỉnh một cách cụ thể trong tình hình thế và lực của cách mạng đã chuyển biến theo chiều có lợi cho ta.

Trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, hai nhiệm vụ phản đế và phản phong vẫn được xác lập, trong đó xác định một cách nhất quán nhiệm vụ phản đế là nhiệm vụ chủ yếu nhất. Chính cương có viết: “Đối tượng chính hiện nay là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, cụ thể lúc này là đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Đối tượng phụ hiện nay là phong kiến, cụ thể lúc này là phong kiến phản động[23]. Chính cương còn viết: “...nhiệm vụ chính trước mắt là hoàn thành giải phóng dân tộc. Cho nên lúc này phải tập trung lực lượng vào việc kháng chiến để quyết thắng quân xâm lược[24].

 Trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, nhiệm vụ phản phong cũng được nhận thức một cách đầy đủ. Chính cương cho rằng con đường cách mạng Việt Nam trãi qua 3 giai đoạn với các nhiệm vụ trọng tâm khác nhau: giai đoạn thứ nhất là giải phóng dân tộc với trọng tâm là nhiệm vụ phản đế; giai đoạn thứ hai là xóa bỏ triệt để các tàn tích phong kiến, nhiệm vụ phản phong là nhiệm vụ trọng tâm; giai đoạn thứ ba là xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Như vậy, có thể thấy rõ, tính chất của nhiệm vụ phản phong trong hai giai đoạn sẽ có vai trò, vị trí và địa vị hoàn toàn khác nhau.

Có thể hiểu nội dung của nhiệm vụ phản phong như sau: Trong kháng chiến, nhiệm vụ phản phong vẫn được xem là nhiệm vụ phụ, có tính chất bổ trợ cho nhiệm vụ phản đế, cho nên hình thức của nó chủ yếu là giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất của thực dân và tay sai, chia lại công điền, chia ruộng đất công,... Để tạo những điều kiện nuôi dưỡng lực lượng cách mạng và động viên quần chúng nông dân tham gia cách mạng; Sau kháng chiến, hòa bình lập lại, nhiệm vụ phản đế cũng kết thúc, thì nhiệm vụ chủ yếu là nhiệm vụ phản phong, nội dung chủ yếu của nó là dân chủ, tức là xóa bỏ hoàn toàn và triệt để sự chiếm hữu ruộng đất trong nông thôn, giai cấp địa chủ và phong kiến. Nhưng nói như thế, không có nghĩa là khi có điều kiện đẩy mạnh nhiệm vụ phản phong trong giai đoạn đầu tiên thì chúng ta không được thực hiện, phải chờ sang giai đoạn hai. Rõ ràng như thế là rập khuôn máy móc. Nhiệm vụ phản phong trong giai đoạn hai là mang tính triệt để hẳn, xóa bỏ hẳn tàn tích phong kiến, cho nên nhiệm vụ phản phong trong giai đoạn một, nếu có những điều kiện cụ thể, vẫn có thể thúc đẩy nhiệm vụ phản phong tiến lên, cố nhiên là phải tùy thuộc vào thế và lực của cách mạng, phải thực nghiệm một số địa phương nhất định, ở một mức độ nhất định và trên phạm vi nhất định để tạo động lực phát triển cho cách mạng. Đây cũng là ý căn bản của nội dung dân chủ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta.

Nội dung trên còn được đồng chí Trường Chinh làm rõ hơn trong Luận cương cách mạng Việt Nam đọc tại Đại hội II của Đảng ta, đồng chí nêu rõ: “Vậy nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là gì? là:

a) Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, làm cho Việt Nam hoàn toàn thống nhất và độc lập (phản đế)

b) Xóa bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân (phản phong kiến)

c) Gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội

Nhiệm vụ thứ nhất là nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Hai nhiệm vụ sau là nhiệm vụ dân chủ.

Đánh đổ đế quốc xâm lược thì đồng thời đánh đổ thế lực phong kiến phản động và nói chung các hạng bù nhìn, tay sai của đế quốc, vì nó là chỗ vịn của đế quốc. Trái lại, muốn xóa bỏ thế lực phong kiến phản động và các hạn bù nhìn, phải đánh đổ đế quốc xâm lược, vì đế quốc cố duy trì những thế lực đó đặng bám lấy Việt Nam. Hơn nữa, có đánh đổ đế quốc và thế lực phong kiến phản động và các hạng bù nhìn mới có thể tiến lên xóa bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến, phát triển mạnh mẽ được chế độ dân chủ nhân dân, do con đường dân chủ nhân dân tiến tới chủ nghĩa xã hội. Và phát triển chế độ dân chủ nhân dân lại thêm điều kiện, thêm sức mạnh đánh đổ đế quốc và xóa di tích phong kiến, nửa phong kiến.

Nhiệm vụ dân tộc và dân chủ khăng khít với nhau. Song lúc này, phải tập trung mọi lực lượng để kháng chiến, đặng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đó là trọng tâm cách mạng trong giai đoạn hiện tại. Nhiệm vụ dân chủ phải làm, nhưng chỉ có thể làm trong phạm vi không có hại mà lại có lợi cho việc tập trung lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc[25].

Chính nhận thức sâu sắc trên về nhiệm vụ phản phong trong Chính cương của mình, Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra chủ trương tập hợp lực lượng một cách đúng đắn, và có chính sách phân hóa kẻ thù, tạo điều kiện thúc đẩy nhiệm vụ phản đế thuận lợi; đồng thời nhiệm vụ phản phong được thực hiện đúng mức, đã bồi dưỡng lực lượng cách mạng, động viên quần chúng nông dân tham gia cách mạng, hỗ trợ kháng chiến.

Đến năm 1953, cuộc kháng chiến đã bước vào giai đoạn quyết liệt. Để động viên sức người sức của đẩy nhanh, đẩy mạnh kháng chiến. Đảng ta đã đẩy mạnh thêm một nấc nhiệm vụ phản phong, ra chính sách tiến hành triệt để giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất. Cương lĩnh ruộng đất do Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa II thông qua đã nêu rõ những nội dung chủ yếu của chính sách ruộng đất của Đảng. Cương lĩnh nêu rõ, việc thực hiện cải cách ruộng đất là nhằm cải thiện đời sống nhân dân, động viên thêm sức người sức của cho tiền tuyến đánh đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ, nhằm hoàn thành việc giải phóng dân tộc. Cương lĩnh ruộng đất của Đảng không đứng ngoài việc tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ phản đế, để đưa cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng, đó là một bước phát triển trong việc nhận thức đúng đắn về vai trò của nhiệm vụ phản phong với tư cách là đối tượng phụ. Thực tế là những quyền lợi tích cực trong các đợt giảm tô và cải cách ruộng đất đầu tiên đã tạo nên bầu không khí phấn chấn từ ở hậu phương cho đến tiền tuyến, đã góp phần vào việc đẩy mạnh kháng chiến, góp phần vào Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và cả Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử[26].

Tuy nhiên, không phải là lúc nào Đảng ta cũng hoàn toàn giải quyết đúng đắn giữa mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong trong việc đề ra Cải cách ruộng đất. Giữa việc nhận thức và việc thực hiện là hai việc hoàn toàn khác xa nhau. Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương khóa II (10/1956), Đảng ta đã giải đáp căn bản những sai lầm trong việc giải quyết nhiệm vụ phản phong trong kháng chiến. Trong đó, chủ yếu là các cấp ủy, cơ sở của Đảng chưa nắm vững mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ phản đế và phản phong trong kháng chiến, trong đó có nơi chưa nhận thức đúng nhiệm vụ phản đế là nhiệm vụ chủ yếu nhất. Trong quá trình phân tích tình hình xã hội, thái độ các giai cấp, đã có thái độ lệch lạc, nhiều cấp ủy đứng hẳng trên lập trường nông dân giai cấp mà nhìn vấn đề ruộng đất, rồi đẩy đấy tranh giai cấp một cách thái quá, tách rời hoàn toàn hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, thậm chí đối lập cải cách ruộng đất và kháng chiến, đối lập vấn đề dân tộc và giai cấp.

Nói một cách cụ thể, đó là việc máy móc, giáo điều, rập khuôn khi áp dụng chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới vào thực tiễn cách mạng Việt Nam mà không chú trọng đến tính đặc thù riêng biệt của Việt Nam.

5. Kết luận


Sự khác biệt trong quan điểm về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp giữa Quốc tế Cộng sản và Nguyễn Ái Quốc biểu hiện cho việc vận dụng chân lý phổ quát của chủ nghĩa Mác – Lê- nin vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng mang những dấu ấn cá nhân riêng biệt của Nguyễn Ái Quốc trong tư duy sáng tạo của mình.

Nguyễn Ái Quốc căn cứ trên thực tiễn của cách mạng Việt Nam, không giáo điều, không rập khuôn máy móc trong việc vận dụng các quan điểm của Quốc tế Cộng sản, đã nhìn thấy những khuyết điểm còn tồn tại trong học thuyết Mác – Lê-nin về tiến trình của cách mạng dân tộc giải phóng ở một xứ thuộc địa lạc hậu. Những mặt hạn chế đó đã được Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu, xem xét và sửa đổi sao cho phù hợp với tình hình cách mạng Việt Nam trong khi vẫn theo con đường cách mạng vô sản.

Sự thắng lợi của cách mạng Tháng Tám và thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) đã cho thấy những quan điểm sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc là đúng đắn, việc giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp trong tiến trình cách mạng dân tộc giải phóng ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với lợi ích của nhân dân Việt Nam, của cách mạng Việt Nam.


NGUYỄN DUY


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/book/lich-su-dang/lich-su-bien-nien-dang-cong-san-viet-nam-tap-2-175

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011

3. Nguyễn Thành, Quốc tế Cộng sản với vấn đề Dân tộc và thuộc địa, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lê-nin, Hà Nội, 1987

4. PGS.TS Bùi Loan Thúy, “Đại tướng , Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của hòa bình”, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009

5. Văn kiện Đại hội Đảng, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 19/4/2018

6. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002

7. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002

8. Stalin, Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, Nxb Sự thật, 1957


[1] Stalin, Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, Nxb Sự thật, 1957, tr.16.
[2] Stalin, Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, Nxb Sự thật, 1957, tr.25.
[3] Stalin, Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, Nxb Sự thật, 1957, tr.25.
[4] Nguyễn Thành, Quốc tế Cộng sản với vấn đề Dân tộc và thuộc địa, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lê-nin, Hà Nội, 1987, tr.62.
[5] Nguyễn Thành, Quốc tế Cộng sản với vấn đề Dân tộc và thuộc địa, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lê-nin, Hà Nội, 1987, tr.62.
[6] Nguyễn Thành, Quốc tế Cộng sản với vấn đề Dân tộc và thuộc địa, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lê-nin, Hà Nội, 1987, tr.74.
[7] Nguyễn Thành, Quốc tế Cộng sản với vấn đề Dân tộc và thuộc địa, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lê-nin, Hà Nội, 1987, tr.75.
[8] Nguyễn Thành, Quốc tế Cộng sản với vấn đề Dân tộc và thuộc địa, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lê-nin, Hà Nội, 1987, tr.101.
[9] Nguyễn Thành, Quốc tế Cộng sản với vấn đề Dân tộc và thuộc địa, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lê-nin, Hà Nội, 1987, tr.121.
[10] Nguyễn Thành, Quốc tế Cộng sản với vấn đề Dân tộc và thuộc địa, Nxb Sách giáo khoa Mác - Lê-nin, Hà Nội, 1987, tr.133.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.41
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.23
[13] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.50-51.
[14] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.2
[15] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.2
[16] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.3
[17] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.4
[18] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.4
[19] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/book/lich-su-dang/lich-su-bien-nien-dang-cong-san-viet-nam-tap-2-175
[20] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.98
[21] PGS.TS Bùi Loan Thúy, “Đại tướng , Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của hòa bình”, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009, tr.813
[22] PGS.TS Bùi Loan Thúy, “Đại tướng , Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của hòa bình”, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009, tr.813
[23] Văn kiện Đại hội Đảng, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 19/4/2018.
[24] Văn kiện Đại hội Đảng, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 19/4/2018.
[25] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.75-76
[26] PGS.TS Bùi Loan Thúy, “Đại tướng , Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của hòa bình”, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2009, tr.835.