LENIN – STALIN : NGƯỜI ĐẶT CƠ SỞ CHO LÝ LUẬN KẾ HOẠCH NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN.



Lenin – Stalin là những người đặt cơ sở cho lý luận kế hoach kinh tế quốc dân. Các tác phẩm của Lenin và Stalin về xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, về tái sản xuất mở rộng xã hội chủ nghĩa, về các quy luật kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa là những nguyên lý khoa học của kế hoạch hóa kinh tế quốc dân.

Các học thuyết của Lenin và Stalin về tiền đề kế hoạch hóa, tính chất của kế hoạch Nhà nước, việc thu hút quần chúng tham gia công tác kế hoạch, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch cũng như về quan hệ tỷ lệ và bảng cân đối kinh tế quốc dân, là những nội dung cơ bản của toàn bộ lý luận kế hoạch kinh tế quốc dân.

Lenin và Stalin là người đặt cơ sở cho lý luận kế hoạch kinh tế quốc dân, ý nghĩa của điều đó đã được đồng chí Quy-bư-sép, người bạn chiến đấu gần gũi nhất và đã tạ thế của Lenin và Stalin, trình bày tỉ mỉ rõ ràng. Đồng chí Quy-bư-sép là chủ tịch Ủy ban kế hoạch Nhà nước Liên Xô trong thời gian hai kế hoạch 5 năm đầu và là Ủy viên Bộ chính trị của Trung ương Đảng cộng sản (b) Liên Xô. Dưới đầu đề “Lenin và Stalin bàn về kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa”, đồng chí Quy-bư-sép đã viết một bài luận văn nổi tiếng. Trong đó có đoạn:

“Lenin đã từng nghiên cứu vấn đề kế hoạch hóa của thời đại chuyên chính vô sản, về mặt lý luận, công cuộc nghiên cứu này đã đạt tới trình độ hết sức sâu sắc, đồng thời cũng rất phù hợp với thực tế.

Bất kỳ trước đây hay hiện nay, những bài luận văn, những bài diễn văn và những sách vở của Lenin về vấn đề kế hoạch hóa, đều là những kho tàng lý luận quý báu quyết định phương hướng tư tưởng kế hoạch bôn-sê-vích của chúng ta. Đi đôi với thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, ý nghĩa của kế hoạch và tổ chức công tác kế hoạch càng lớn, lực lượng kế hoạch hóa càng được tăng cường và củng cố, thì những di sản của Lenin về vấn đề kế hoạch hóa cũng càng tỏ ra vĩ đại.

Theo quan điểm của Lenin, công cuộc kế hoạch hóa là một bộ phận không thể thiếu được trong nền chuyên chính vô sản. Mục đích không gì thay đỗi được của chuyên chính vô sản là phải làm cho chủ nghĩa xã hội chiến thắng chủ nghĩa tư bản, là phát huy năng lực sáng tạo của hàng ngàn hàng vạn quần chúng để đập tan sự chống đối của giai cấp thù địch, sự chống đối của bọn cơ hội chủ nghĩa – tay sai của địch, - và đập tan sự chống đối nham hiểm xảo quyệt của chúng.

Sau khi Lenin mất, các vấn đề quan trọng nhất của kế hoạch hóa đều được đồng chí Stalin nghiên cứu và phát triển. Trong khi bóc trần âm mưu của những phần tử cơ hội chủ nghĩa “phái tả” phái hữu và động viên toàn Đảng xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa toàn diện, đồng chí Stalin cũng đã bảo vệ những di sản của Lenin về mặt kế hoạch hóa. Không phải chỉ có thế, công lao của đồng chí Stalin – vị lãnh tụ và nhà lý luận của Đảng bôn-sê-vích chúng ta – trước hết còn thể hiện ở những thành tựu về mặt nghiên cứu sâu thêm lý luận kinh tế xô viết, nghiên cứu lý luận kế hoạch xã hội chủ nghĩa”[1].

Lenin cho rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của chuyên chính vô sản. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội phải tiến hành trên cơ sở kế hoạch phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Theo Lenin thì kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân là cương lĩnh thứ hai của Đảng. Chúng ta hãy nghe Lenin nói về vấn đề này ở Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ 8 năm 1920:

“Cương lĩnh của Đảng ta không thể chỉ đứng nguyên là cương lĩnh của Đảng. Nó phải trở thành cương lĩnh kiến thiết kinh tế của chúng ta, nếu không thì nó không đáng, ngay cả là cương lĩnh của Đảng nữa. Nó phải được bổ sung bằng một bản cương lĩnh thứ hai của Đảng, tức là kế hoạch các công trình khôi phục toàn bộ nền kinh tế quốc dân và nâng cao nền kinh tế đó đến trình độ kỹ thuật hiện đại”[2].

Trong các tác phẩm của Lenin nói về tính chất kinh tế và các thành phần kinh tế của thời kỳ quá độ, về các mạch máu kinh tế của chuyên chính vô sản, đã nêu lên những điều kiện kinh tế để thực hiện kế hoạch hóa kinh tế quốc dân trong thời kỳ quá độ.

Lenin cho rằng việc xây dựng cơ sở tổ chức của việc kế hoạch hóa có ý nghĩa rất lớn lao. Ngay từ giai đoạn đầu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (ngay từ cuối 1917) theo đề nghị của Lenin, đã lập ra cơ quan trung ương quản lý và lập kế hoạch toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đó là Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao.

Lenin nói: Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao về mặt kinh tế, phải giống như Hội đồng dân ủy về mặt chính trị, là một cơ quan chiến đấu chống địa chủ và tư bản.

Lenin là người tổ chức việc thực hiện hệ thống kế hoạch thống nhất trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Theo đề nghị của Người, tháng 2 năm 1921 đã thành lập ra Ủy ban kế hoạch Nhà nước. Ủy ban kế hoạch Nhà nước Liên Xô đã tồn tại từ ngày ấy. Chỉ riêng một sự thật đó cũng đủ để chứng minh rằng hệ thống kế hoạch có một sức sống vô cùng mạnh mẽ và thống nhất biểu hiện trong toàn bộ phạm vi nền kinh tế quốc dân.

Đồng chí Stalin đã phát triển hơn nữa chỉ thị của Lenin về những điều kiện tiền đề của việc kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Đồng chí Stalin đã xác định những điều kiện tối thiểu cần phải có để thực hiện kế hoạch kinh tế quốc dân.

Trước Đại hội Đảng cộng sản (b) Liên Xô lần thứ 15 vào năm 1927, đồng chí Stalin đã nói:

“Muốn lãnh đạo theo một kế hoạch, phải có một hệ thống công nghiệp khác, một hệ thống xã hội chủ nghĩa chứ không phải tư bản chủ nghĩa; chí ít cũng phải có một nền công nghiệp quốc hữu hóa, một hệ thống tín dụng quốc hữu hóa, ruộng đất quốc hữu hóa, sự liên minh xã hội chủ nghĩa với nông thôn, chính quyền của giai cấp công nhân thiết lập trong cả nước”[3].

Tính chất của chính quyền và sự công hữu hóa những tư liệu sản xuất cần thiết đã tạo ra một khả năng đầy đủ cho Liên Xô tiến hành thực hiện kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Nhưng phải hiểu, tùy những điều kiện khác nhau, những mức độ phát triển khác nhau giữa các quốc gia mà chúng ta quyết định một loại tỷ lệ khác nhau trong các phương pháp lập kế hoạch chứ tuyệt nhiên không phải là bắt chước Liên Xô một cách thiếu cơ sở. Điều đó trước hết biểu thị là: trong những nước này, những phương pháp kế hoạch chỉ thị trực tiếp chưa phải là phương pháp chiếm địa vị thống trị trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân, phương pháp kế hoạch áp dụng trong nông nghiệp chủ yếu là phương pháp kế hoạch gián tiếp hoặc phương pháp điều chỉnh.

Trong khi phát triển học thuyết của Lenin về chuyên chính vô sản là điều kiện chủ yếu để tổ chức nền kinh tế quốc dân theo kế hoạch, đồng chí Stalin đã nêu lên vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng cộng sản và Nhà nước Xô viết về mặt tổ chức kế hoạch kinh tế quốc dân.

Trong cuộc nói chuyện với đoàn đại biểu đầu tiên của công nhân Mỹ, đồng chí Stalin đã trả lời:

“… Đảng đã cho những chỉ thị đại cương giúp các cơ quan chính quyền này hay các cơ quan chính quyền khác xây dựng công tác của mình, trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp hay trong lĩnh vực thương nghiệp hoặc kiến thiết văn hóa, những chỉ thị này quyết định tính chất và phương châm công tác của các cơ quan đó trong suốt cả thời gian thực hiện những kế hoạch ấy”[4].

Học thuyết của Lenin và Stalin về tính chất có mục đích và tính chất chỉ thị của kế hoạch là một bộ phận chính của lý luận kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Theo học thuyết này, thì không có và không thể có một thứ công tác kế hoạch mà không có mục đích khoa học.

Trước Đại hội Đảng cộng sản (b) Liên Xô lần thứ 15, đồng chí Stalin đã nhấn mạnh rằng:

“Kế hoạch của chúng ta không phải là những kế hoạch – phỏng chừng, cũng không phải là những kế hoạch ước lượng, - mà là những kế hoạch có tính chất chỉ thị, bắt buộc các cơ quan lãnh đạo phải chấp hành, và những kế hoạch đó quyết định phương hướng sự phát triển kinh tế của chúng ta trong tương lai, trong phạm vi toàn quốc”[5].

Cần phải chỉ ra rằng bản thân nguyên lý “kế hoạch của chúng ta không phải là kế hoạch phỏng chừng” tuyệt nhiên không mâu thuẫn với việc cần phải có dự kiến khi lập kế hoạch Nhà nước phát triển kinh tế quốc dân. Khi lập kế hoạch kinh tế quốc dân, đặc biệt là khi lập dự thảo kế hoạch – thí dụ như muốn xác định tương lai của sự tiến bộ kỹ thuật, mức thu hoạch kế hoạch và xác định mối liên hệ kinh tế đối ngoại của Liên Xô – đều cần phải dự tính.

Quy luật phát triển xã hội là căn cứ khoa học của mục tiêu kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa. Do đó, bản chất của tất cả mọi sự thí nghiệm về kế hoạch hóa dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, cũng như của các kiểu “kế hoạch” “nhằm mục đích phát triển kinh tế quốc dân” trong điều kiện tư bản chủ nghĩa, đều là hoàn toàn đi ngược lại quy luật phát triển xã hội. Đó là những kế hoạch phản khoa học và nhất định phải phá sản.

Lý luận kế hoạch của chủ nghĩa Mác khoa học đã nói rõ: kế hoạch kinh tế quốc dân khoa học là sự phản ánh của quy luật phát triển xã hội. Nhà nước tư bản chủ nghĩa có thể lập được kế hoạch phản ánh quy luật khách quan của sự phát triển xã hội không ? Quy luật khách quan của sự phát triển xã hội thúc đẩy phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đi đến cách mạng vô sản, và đem phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa thay thế cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Rất rõ ràng, việc đặt và thực hiện thứ kế hoạch ấy hoàn toàn không có lợi cho giai cấp tư sản. Kế hoạch kinh tế quốc dân khoa học cần phải phản ánh lợi ích của nhân dân, nhưng trong các nước tư bản chủ nghĩa, điều đó hoàn toàn đối lập gay gắt với lợi ích của giai cấp tư sản. Trong cuộc nói chuyện với nhà văn Anh Oen-xơ hồi tháng 7-1934, đồng chí Stalin đã nói:

“Thế nào là kinh tế kế hoạch? Kinh tế kế hoạch có những đặc trưng gì? Kinh tế kế hoạch là nhằm xóa bỏ hiện tượng thất nghiệp. Chúng ta hãy giả thử trong khi bảo tồn chế độ tư bản chủ nghĩa, có thể xóa bỏ hiện tượng thất nghiệp tới một mức độ tối thiểu nào đó. Nhưng bất cứ một nhà tư bản nào từ trước tới nay đã không và vô luận thế nào cũng không đồng ý xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng thất nghiệp, xóa bỏ hoàn toàn đội hậu bị thất nghiệp, bởi vì sứ mạng của đội hậu bị thất nghiệp là thúc ép thị trường lao động, đảm bảo nhân công với tiền lương rẻ mạt. Ngài xem, đấy đã là một khe hở trong “nền kinh tế kế hoạch” của xã hội tư sản. Thứ nữa, kinh tế kế hoạch dựa trên tiền đề đẩy mạnh sản xuất của các ngành công nghiệp mà sản phẩm của nó rất cần thiết cho nhân dân. Nhưng như ngài đã biết, dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, việc mở rộng sản xuất đã dựa vào một động cơ hoàn toàn khác hẳn, tỷ suất lợi nhuận ở ngành kinh tế nào cao thì tư bản sẽ đổ xô vào ngành kinh tế đó. Ngài không thể buộc nhà tư bản tự họ chịu thiệt và đồng ý với tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp để thõa mãn nhu cầu của nhân dân”[6].

Sau khi nói rõ những nguyên nhân ấy với nhà văn Oen-xơ, đồng chí Stalin đã kết luận một cách khẳng định:

“Nếu như không giải phóng khỏi nhà tư bản, nếu như không xóa bỏ nguyên tắc tư hữu tư liệu sản xuất thì Ngài sẽ không thể xây dựng được nền kinh tế kế hoạch”[7].

Những lời nói đó của đồng chí Stalin đã hoàn toàn được chứng thực bằng kinh nghiệm lịch sử của nhiều năm. Trong các nước tư bản chủ nghĩa, kết quả của tất cả mọi sự thí nghiệm về thi hành kế hoạch đều gặp phải những thất bại không thể tránh khỏi.

Những mục đích sinh ra từ quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội đã được biểu hiện cụ thể trong kế hoạch dài hạn và kế hoạch ngắn hạn phát triển kinh tế quốc dân.

Lenin là người đặt cơ sở cho việc lập kế hoạch dài hạn.

Lenin là người cổ vũ và tổ chức việc lập kế hoạch dài hạn đầu tiên phát triển kinh tế quốc dân, đó là kế hoạch điện khí hóa toàn Nga (Gô-en-rô) với thời gian từ 10 -15 năm.

Nếu chúng ta hiểu biết quy luật phát triển của xã hội, thì có thể đặt ra kế hoạch phát triển trong thời gian nhiều năm, và phù hợp với yêu cầu khoa học. Chỉ có những phần tử cơ hội chủ nghĩa và những kẻ hoài nghi phủ nhận tính chất có mục đích của kế hoạch xã hội chủ nghĩa, phủ nhận lý luận kế hoạch kinh tế quốc dân, mới không tin tưởng vào tính chất khoa học của kế hoạch dài hạn.

Lập kế hoạch dài hạn là điều kiện cần thiết để lập kế hoạch ngắn hạn phù hợp với yêu cầu khoa học. Sự kết hợp hữu cơ giữa kế hoạch dài hạn và kế hoạch ngắn hạn là phương châm khoa học duy nhất đúng của công tác kế hoạch. Ngay khi lập kế hoạch điện khí hóa toàn Nga, đồng chí Lenin đã nêu lên vấn đề này. Tại đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ 8 họp tháng 12-1920, đồng chí Lenin đã nói:

“Khi kế hoạch dài hạn lớn lao xuất hiện, thường làm cho một số người hoài nghi. Họ nói: “Chúng ta làm gì mà có thể dự tính được nhiều năm, hỡi giời ! Hãy để cho chúng tôi làm những việc cần thiết hiện nay đã !”. Các đồng chí, chúng ta cần phải khéo kết hợp kế hoạch dài hạn và kế hoạch trước mắt, không có kế hoạch dài hạn nhằm đạt được những thành tích lớn lao thì chúng ta không thể làm việc được … Các đồng chí đừng sợ kế hoạch dài hạn nhiều năm; không có kế hoạch đó, các đồng chí sẽ không thể khôi phục kinh tế được đâu”[8].

Lenin vạch rõ:

“Cần phải hết sức tìm cách gắn liền kế hoạch điện khí hóa khoa học với kế hoạch thực tiễn hàng ngày và những công việc nhằm thực hiện cụ thể kế hoạch thực tiễn đó”[9].

Kế hoạch điện khí hóa toàn Nga được thông qua chưa được bao lâu thì tháng 5-1921, đồng chí Lenin viết:

“Cần phải lập kế hoạch kinh tế toàn quốc trong thời gian ngắn hơn, một hoặc hai năm”[10].

Theo tư tưởng của Lenin, sau khi kế hoạch dài hạn có căn cứ khoa học được lập ra và thực hiện, thì phải chú ý đến việc lập ra kế hoạch ngắn hạn.

Thực tế, trong một chỉ thị gửi cho Ủy ban kế hoạch Nhà nước, đồng chí Lenin đã đề nghị điều động 4/5 nhân viên công tác của Ủy ban kế hoạch Nhà nước vào công tác lập kế hoạch ngắn hạn.

Trong việc lập kế hoạch dài hạn và ngắn hạn có căn cứ khoa học, cần phải chọn trước các khâu quan trọng bậc nhất của kế hoạch. Học thuyết của Lenin và Stalin về khâu chủ đạo trong kế hoạch là một trong những nguyên lý quan trọng của lý luận kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân.

Lenin nói:

“Cần phải sáng suốt tìm ra một khâu đặc biệt trên sợi dây chuyền trong mỗi thời kỳ, phải đem toàn lực ra nắm lấy khâu đó để nắm lấy được toàn bộ sợi dây chuyền và chuẩn bị một cách vững chắc tiến tới khâu tiếp theo”[11].

Việc lựa chọn khâu chủ đạo của kế hoạch phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị cụ thể và đặc điểm của mỗi thời kỳ kế hoạch. Cho nên, khâu chủ đạo không phải là vĩnh viễn không thay đổi, bởi vì mỗi thời kỳ kế hoạch đều có nhiệm vụ riêng của nó.

Lenin và Stalin dạy rằng, nếu không kiểm tra một cách có hệ thống tình hình thực hiện kế hoạch, chúng ta sẽ không thể lập ra kế hoạch khoa học. Lenin cho rằng, không kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch, không nghiên cứu kinh nghiệm của công tác kế hoạch, thiếu thực tiễn của việc thực hiện kế hoạch, đó là những khuyết điểm trong công tác kế hoạch. Những khuyết điểm này sẽ không khỏi làm cho kế hoạch thành ra trống rỗng, phản khoa học, quan liêu.

Chỉ có dựa trên cơ sở kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch và nghiên cứu thực tiễn của công tác kế hoạch, mới có thể cải tiến kế hoạch được.

Khi đã giải thích về kế hoạch điện khí hóa toàn Nga, Lenin đã nói:

“Mỗi một ngày, trong mỗi công xưởng, trong mỗi quận, cương lĩnh đó đều được cải tiến, được chỉnh lý lại cho chính xác, được hoàn thiện và sửa đổi”[12].

Đồng chí Stalin đã phát triển nguyên lý của Lenin về việc cần phải kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch, và đã chứng minh nguyên lý cực kỳ quan trọng có liên quan tới lý luận và thực tiễn của kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa đó.

Đồng chí Stalin nói:

“Đối với chúng ta, kế hoạch 5 năm, cũng như mọi kế hoạch khác, chỉ là một kế hoạch có tính chất ước lượng đại khái, mà người ta cần phải căn cứ vào những kinh nghiệm địa phương và kinh nghiệm đã thu được trong khi thực hiện kế hoạch để làm cho nó được chính xác, để sửa đổi đi và làm cho nó hoàn thiện. Không một kế hoạch 5 năm nào mà có thể tính hết được tất cả mọi khả năng tiềm tàng trong lòng chế độ ta, và chỉ phát lộ ra trong quá trình công tác, trong quá trình thực hiện kế hoạch ở công xưởng, ở nông trang tập thể, nông trường quốc doanh, ở các khu … mà thôi. Chỉ có những kẻ quan liêu mới nghĩ rằng hễ cứ lập xong kế hoạch là đã hoàn thành công tác làm kế hoạch rồi. Việc lập xong kế hoạch chỉ là bước đầu của việc kế hoạch hóa. Việc thực sự lãnh đạo kế hoạch chỉ bắt đầu thực hiện được triệt để là từ sau khi lập xong kế hoạch, sau khi kiểm tra tại chỗ, trong quá trình thực hiện, về việc sửa chữa kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch cho được chính xác”[13].

Căn cứ vào chỉ thị của đồng chí Stalin, ta có thể rút ra kết luận sau đây: toàn bộ quá trình công tác kế hoạch là do các quá trình liên hệ chặt chẽ với nhau hợp thành. Quá trình thứ nhất là lập kế hoạch; kế hoạch đã lập ra là sự phát triển kinh tế quốc dân biểu hiện trên lý luận; trước khi chưa thi hành, kế hoạch là một thứ lý luận hướng dẫn sự phát triển của nền kinh tế quốc dân trong tương lai. Nhưng sau khi được phê chuẩn, kế hoạch sẽ có tính chất chỉ thị và được đem ra thi hành. Như thế có nghĩa là, lý luận về phát triển kinh tế quốc dân đã bắt đầu chuyển sang thực tiễn, đã bắt đầu được thực hiện trong thực tiễn. Quá trình này là quá trình chủ yếu, bởi vì chỉ có sau khi hoàn thành kế hoạch thì nền kinh tế quốc dân mới phát triển được. Nhưng bản thân kế hoạch không thể tự nó thực hiện lấy được. Muốn hoàn thành kế hoạch, cần phải lãnh đạo có kế hoạch, mà một sự lãnh đạo như thế chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở kiểm tra kế hoạch. Muốn lãnh đạo kinh tế trên cơ sở kết hoạch, cần phải biết tình hình thực hiện kế hoạch như thế nào, việc thực hiện kế hoạch có những khuyết điểm gì, đã phát hiện ra những khả năng mới nào trong việc thực hiện kế hoạch. Nhờ công tác kiểm tra này mà trong quá trình thực hiện kế hoạch, chúng ta có thể rút ra những kết luận về việc sửa đổi và đính chính, tức là những kết luận về việc cải tiến kế hoạch.

Căn cứ những điểm nói trên và nếu ta tổng kết lại thì thấy rằng: quá trình thứ nhất (lập kế hoạch) là vạch ra những lý luận về phát triển cụ thể nền kinh tế quốc dân; quá trình thứ hai tức là quá trình chủ yếu, là biến lý luận đó thành hoạt động thực tiễn; quá trình thứ ba là tổng hợp kết quả thực tế về việc thực hiện kế hoạch, để làm phong phú thêm lý luận của công tác kế hoạch. Sau đó lại đem kế hoạch đã được sửa đổi, đính chính, trả về cho thực tiễn và cứ tuần hoàn thế mãi (lý luận – thực tiễn – lý luận được phát triển cao hơn).

Đồng chí Stalin đã nêu lên và quy định các vấn đề chính trong việc kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Tại Đại hội Đảng lần thứ 16, đồng chí Stalin nêu lên và trình bày các vấn đề như sau:

+ Vấn đề phân bố đúng đắn sức sản xuất trong toàn quốc.
+ Vấn đề cung cấp cán bộ cho nền kinh tế quốc dân.
+ Vấn đề nâng cao năng suất lao động.
+ Vấn đề cung cấp.
+ Vấn đề tín dụng và lưu thông tiền tệ.
+ Vấn đề dự trữ.
+ Vấn đề hợp lý hóa.
+ Vấn đề hạ giá thành.
+ Vấn đề cải tiến chất lượng sản phẩm.

Trong nhiều tác phẩm của Lenin và Stalin, có nhiều chỉ thị có liên quan đến các vấn đề tốc độ, quan hệ tỷ lệ và bảng cân đối nền kinh tế quốc dân. Những chỉ thị này đều có ý nghĩa to lớn trong việc lập và thực hiện kế hoạch kinh tế quốc dân.

Bắt đầu từ Cách mạng xã hội tháng Mười vĩ đại trở đi, những người đặt cơ sở cho lý luận kế hoạch xã hội chủ nghĩa đã cho rằng vấn đề tốc độ phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, do đó mà nó cũng là vấn đề quan trọng nhất của thực tiễn và lý luận kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa.

Ngay từ hồi Cách mạng tháng Mười, Lenin đã nói: “Hoặc là chịu diệt vong, hoặc là phải đuổi kịp những nước tiên tiến và vượt qua những nước đó cả về mặt kinh tế nữa”[14].

Đồng chí Stalin đã bảo vệ và phát triển lý luận kế hoạch hóa của Lenin về vấn đề Nhà nước Xô viết sẽ phát triển kinh tế tốc độ cao. Đồng chí Stalin đã phê phán và bẻ gãy những lý luận phản khoa học có liên quan đến những vấn đề quy định tốc độ phát triển. Đồng chí Stalin đã chứng minh rằng: trong điều kiện nền kinh tế xô viết, việc áp dụng kế hoạch phát triển kinh tế với tốc độ cao thích hợp trong suốt thời gian xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Stalin đã phê phán thuyết “đường biểu diễn đi xuống” về tốc độ phát triển của Trotsky, bởi vì thuyết này chỉ rằng trong thời kỳ khôi phục kinh tế mới có thể áp dụng được tốc độ cao.

Lý luận về phát triển kinh tế với tốc độ cao là lý luận kế hoạch hóa khoa học, do đó hoàn toàn khác với lý luận kế hoạch hóa về phát triển siêu tốc độ của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng.

Đồng chí Stalin đã chứng minh sự sai lầm của thuyết đó. Tại đại hội Đảng lần thứ 18, đồng chí Stalin đã cho thấy một cách khoa học về khả năng phát triển kinh tế với tốc độ cao ở Liên Xô và khả năng giải quyết nhiệm vụ kinh tế cơ bản của Liên Xô, đồng thời chỉ rõ:

“Khi khởi thảo kế hoạch 5 năm lần thứ hai, một số ủy viên trong Ủy ban kế hoạch Nhà nước trước đây đã đề nghị quy định sản lượng gang khi kế thúc kế hoạch 5 năm lần hai là 60 triệu tấn”.

Stalin nói tiếp:

“Như vậy là các ủy viên đó đã xuất phát từ khả năng có thể đạt được mức tăng trung bình hàng năm là 10 triệu tấn gang. Cố nhiên đó là một ảo tưởng, nếu không phải là một cái gì tệ hơn thế nữa”.

Đồng chí tiếp tục:

“Nếu chúng ta gạt những kẻ mơ tưởng hão đó ra một bên và dựa trên cơ sở thực tế mà xét, thì trung bình hàng năm chúng ta hoàn toàn có thể tăng mức sản xuất của gang thêm 2 triệu hay 2,5 triệu tấn, căn cứ vào tình hình kỹ thuật luyện kim hiện tại”.

Ở đây, đồng chí Stalin đã chỉ ra cho chúng ta thấy một khái niệm khoa học về tính hợp lý trong việc quy định tốc độ phát triển kinh tế, tức là dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, thực ra không có sự mâu thuẫn giữa việc <quy định tốc độ phát triển cao cho nền kinh tế> với việc <có thể tăng hay giảm tỷ lệ phần trăm về tăng sản lượng trong các giai đoạn khác nhau của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; nhưng bao giờ số lượng tuyệt đối bao gồm trong mỗi một phần trăm cũng vẫn không ngừng tăng lên>. (giải thích dễ hiểu nhất là, so với năm 1925, năm 1926 tăng 200%, thì không có nghĩa năm 1927 so với 1926 phải cần thiết tăng 200% nữa (đấy là kế hoạch ảo tưởng), mà thực tế, năm 1927 tăng 100% so với năm 1926, đã lớn hơn rất nhiều lần khi so với tỷ lệ phát triển từ 1925-1926).

Trong cuộc Hội nghị toàn thể BCH TW Đảng CS Liên Xô tháng Giêng 1933, khi đọc báo cáo tổng kết kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đồng chí Stalin đã trình bày rõ khả năng và sự cần thiết phải quy định tốc độ phát triển của kế hoạch 5 năm lần thứ hai chậm hơn kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đồng thời, đồng chí Stalin cũng chỉ ra, muốn hiểu tốc độ một cách đúng đắn, chúng ta không những phải biết tỷ lệ phần trăm tăng lên mà còn phải tìm hiểu ý nghĩa tuyệt đối của nó.

Khi phân tích tốc độ phát triển kinh tế trong những năm 1925, 1926 và 1933, đồng chí Stalin đã chứng minh một cách đúng đắn rằng, trong mỗi thời kỳ của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, số lượng tuyệt đối cũng như số lượng sản phẩm bao gồm trong mỗi một phần trăm của sản lượng tăng thêm đều nhiều hơn so với một phần trăm của thời kỳ trước.

“Tất cả những cái đó nghĩa là thế nào ? Nghĩa là trong khi nghiên cứu những tốc độ tăng lên của sản lượng thì không nên xét một cách giản đơn tổng số phần trăm tăng thêm. Còn phải hiểu mỗi một phần trăm tăng thêm bao gồm ý nghĩa gì và tổng số sản lượng tăng thêm hàng năm là bao nhiêu”[15].

Căn cứ vào chỉ thị đó của đồng chí Stalin, đã rút ra một kết luận rất quan trọng về mặt thực tiễn và khoa học, tức là những nguyên lý cơ bản của phương pháp lập kế hoạch về tốc độ phát triển. Kết luận đó là: tái sản xuất mở rộng xã hội chủ nghĩa tiến hành theo quy luật sản lượng không ngừng tăng lên.

Trong các tác phẩm của Lenin và Stalin bàn về nền kinh tế xô viết, thì những chỉ thị có ý nghĩa lớn lao đối với phương pháp lập kế hoạch là những chỉ thị về tỷ lệ phát triển các mặt của tái sản xuất xã hội chủ nghĩa. Lenin đã có một cách nhìn hết sức sâu sắc và hoàn toàn mới mẻ với các vấn đề như quan hệ giữa chính trị và kinh tế, sự cần thiết phải xây dựng cơ sở kinh tế mới dưới chính quyền tiên tiến. Những chỉ thị của Lenin về quan hệ thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ, về xây dựng nền kinh tế mới và tổ chức sản xuất mới của xã hội xã hội chủ nghĩa.

Đi đôi với việc phát triển những nguyên lý ấy của Lenin, đồng chí Stalin đã chứng minh một cách khoa học vấn đề tính chất cân đối của tái sản xuất mở rộng trong xã hội xã hội chủ nghĩa.

Về mặt này, chỉ thị của Đại hội Đảng CSLX lần 15 về kế hoạch 5 năm đã có một ý nghĩa rất lớn lao đối với phương pháp lập kế hoạch. Trong nghị quyết về quan hệ tỷ lệ quan trọng của tái sản xuất xã hội chủ nghĩa của Đại hội Đảng CSLX 15 đã viết:

“Về tỷ lệ giữa sản xuất và tiêu dùng, cần phải chú ý rằng không thể đồng thời đòi hỏi hai bên đều đạt tới những con số lớn nhất … bởi vì đó là nhiệm vụ không thể giải quyết được; cũng không thể chạy theo tích lũy vốn một cách phiến diện… hay chạy theo tiêu dùng một cách phiến diện trong giai đoạn hiện tại. Một mặt, phải nhìn thấy mâu thuẫn tương đối, tác dụng qua lại và mối liên hệ giữa hai mặt đó, đồng thời đứng lên trên quan điểm phát triển lâu dài và về toàn bộ mà xét, thì hai mặt ấy nhất trí với nhau, cho nền cần phải làm cho hai bên kết hợp với nhau một cách hoàn hảo.

Quan hệ giữa thành thị và nông thôn, quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp xã hội chủ nghĩa cũng như thế. Nếu như chúng ta đòi hỏi dùng hết tiền vốn vào nông nghiệp để xây dựng công nghiệp thì không đúng, bởi vì như thế không những sẽ xa rời nông dân về mặt chính trị, mà còn phá vỡ mất cơ sở nguyên liệu của bản thân công nghiệp, phá vỡ mất thị trường trong nước của công nghiệp, phá vỡ mất sự cân đối giữa việc xuất khẩu với toàn bộ hệ thống kinh tế quốc dân. Mặt khác, nếu chúng ta từ chối không thu hút những tiền vốn ở những nông thôn để xây dựng công nghiệp, thì cũng không đúng, bởi vì như thế sẽ làm chậm tốc độ phát triển công nghiệp, phá hoại sự cân đối và có hại cho nền công nghiệp nước ta.

  Tính chất phức tạp cao độ của vấn đề tốc độ phát triển cũng phải được chú ý tới với thái độ toàn diện như trên. Ở đây, chúng ta không nên đòi hỏi trong một hoặc vài năm sắp tới phải làm cho việc tích lũy vốn đạt tới mức cao nhất, mà đòi hỏi giữa các thành phần của nền kinh tế quốc dân giữ được một tỷ lệ nhất định, giúp ta bảo đảm được tốc độ phát triển nhanh nhất trong một thời kỳ dài. Theo quan điểm đó, cần phải kiên quyết và triệt để đập tan khẩu hiệu nâng cao vật giá của phái đối lập. Khẩu hiệu này không những sẽ dẫn đến sự thối nát trong công nghiệp, tức chủ nghĩa quan liêu biến tướng và sự độc quyền, không những là một đòn đánh vào người tiêu dùng, trước tiên là công nhân ở thành thị và bần nông ở nông thôn, không những đã trao những vũ khí quan trọng cho bọn phú nông, mà hơn nữa sau một thời gian, nó sẽ thu hẹp thị trường trong nước, phá vỡ cơ sở nông nghiệp cần thiết cho công nghiệp, cản trở sự tiến bộ kỹ thuật của công nghiệp, do đó mà tốc độ phát triển giảm sút ghê gớm.

Về mặt tỷ lệ phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ, cũng phải làm cho hai bên kết hợp với nhau một cách hoàn hảo. Đặt trọng điểm vào sản xuất tư liệu sản xuất là đúng, nhưng đồng thời cũng phải tính đến nguy cơ ứ đọng tiền vốn Nhà nước quá nhiều trong những công trình xây dựng to lớn mà phải qua nhiều năm mới có thể bán được sản phẩm ra thị trường; mặt khác, cũng phải chú ý rằng việc luân chuyển vốn tương đối nhanh trong công nghiệp nhẹ (sản xuất đồ dùng hàng ngày) cũng có thể giúp chúng ta sử dụng vốn của công nghiệp nhẹ để xây dựng công nghiệp nặng trong điều kiện vẫn phát triển công nghiệp nhẹ.

Chỉ khi nào chúng ta đã tính đến các nhân tố trên và làm cho chúng nhịp nhàng cân đối với nhau theo kế hoạch thì nền kinh tế mới có thể tiến bước được trên con đường phát triển có kế hoạch và không có khủng hoảng”[16].

Đồng chí Stalin đã chứng minh sự cần thiết phải xây dựng quan hệ tỷ lệ kinh tế quốc dân mới trong thời kỳ công nghiệp hóa nước nhà.

Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TW tại Đại hội lần 16, đồng chí Stalin đã phân tích một cách sâu sắc sự thay đổi của những tỷ lệ kinh tế quan trọng nhất. Đồng chí Stalin đã chứng minh rằng, muốn biến nước Nga từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp thì kết cấu kinh tế của Nhà nước Xô viết phải thay đổi về căn bản. Đồng chí Stalin đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa việc thay đổi tỷ lệ giữa sản xuất tư liệu sản xuất và sản xuất vật phẩm tiêu dùng, tỷ lệ giữa sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, tỷ lệ giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ.

Cần phải đặc biệt nhấn mạnh phần đóng góp của đồng chí Stalin trong việc giải quyết vấn đề quan hệ tỷ lệ trong các thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ai cũng biết rằng, các kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế quốc dân Liên Xô đều được lập ra dưới sự lãnh đạo của đồng chí Stalin. Trong những kế hoạch này đã quy định các quan hệ tỷ lệ của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị và nhiệm kinh tế của từng thời kỳ kế hoạch 5 năm đều căn cứ vào điều kiện riêng biệt của từng thời kỳ kế hoạch 5 năm để xác định tính chất của sự thay đổi những quan hệ tỷ lệ ấy.

Khi tổng kết thực tiễn của kế hoạch xã hội chủ nghĩa, đồng chí Stalin đã nêu lên, trong điều kiện nhiệm vụ chính trị đã quy định, thì việc xác định đúng đắn những quan hệ tỷ lệ của tái sản xuất mở rộng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với việc lập kế hoạch kinh tế quốc dân.

Tóm lại, Lenin là những người sáng lập ra hệ thống kinh tế kế hoạch hóa khoa học, và Stalin là người vận dụng một cách phù hợp của hệ thống kinh tế kế hoạch ấy sau khi Lenin từ trần. Hiện nay nhiều quan điểm cho rằng Stalin đã phủ định các chính sách kinh tế mới của Lenin để sáng tạo ra hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung là một quan điểm hết sức sáo rỗng. Đó là sự thể hiện của những kẻ chẳng biết gì về Chủ nghĩa Lenin, đồng thời cũng chẳng biết gì về hệ thống kinh tế Xô viết nói chung. Và chính sách kinh tế kế hoạch tập trung dưới thời Stalin đã chứng minh cho thấy sự phát triển khổng lồ của hệ thống kinh tế này.

#Gấu


[1] Quy-bư-sép, Nhà xuất bản sách Chính trị Quốc gia Liên Xô, Moskva, 1944, tr.102.
[2] Stalin: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr.409
[3] Stalin: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr.227.
[4] Stalin: Cuộc nói chuyện với đoàn đại biểu đầu tiên của công nhân Mỹ, Hà Nội, 1959, tr.15.
[5] Stalin: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr. 227.
[6] Stalin: Nói chuyện với nhà văn Oen-xơ (Wells), Trung văn, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 1953,tr.3.
[7] Như trên
[8] Lenin toàn tập, Nga văn, q.25, tr.479.
[9] Lenin: Bàn về kế hoạch kinh tế thống nhất, Trung văn, Moskva,1952, tr.10
[10] Lenin toàn tập, Nga văn, q.32, tr.349.
[11] Lenin: Tuyển tập, Trung văn, Moskva, 1949, q.2, tr.403.
[12] Stalin: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Việt văn, Nxb Sự thật, Hà Nội,1959, tr.409
[13] Stalin: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Việt văn, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, tr.408-409.
[14] Lenin, tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1959, q.2, p.1, tr.143.
[15] Stalin, những vấn đề chủ nghĩa Lenin, trung văn,Moskva, 1949, tr.508.
[16] Nghị quyết của ĐCS Liên Xô về xây dựng kinh tế, Trung văn, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 1953, t.2, tr.38-39.